Cam kết không để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu
Ngày 10/10, Công ty CP thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) cho biết, mặc dù đang gặp khó khăn trong tình trạng mua hàng giá cao bán giá thấp nhưng đơn vị không để thiếu hụt xăng dầu trong hệ thống phân phối; đồng thời hỗ trợ các thương nhân đảm bảo ổn định lượng xăng dầu phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Được biết, trong Quý III/2022 HSH Petro nhập khẩu, phân phối tương đối ổn định, với tổng sản lượng xăng RON 95 là 6.921m3; RON 92 là 12.854m3; dầu DO là 24.049m3. Trong đó, mua từ nhà máy lọc dầu Dung Quất xăng RON 92 là 5.932m3; dầu DO là 17.160m3, mua từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn xăng RON 95 là 6.921m3; RON 92 là 6.922m3; dầu DO – là 6.889m3; nhập khẩu Condensate để nhà máy sản xuất các mặt hàng xăng RON 95, xăng E5 và dầu DO với sản lượng Condensate là 21.943m3 và MTBE là 2.726m3.
Bên cạnh đó, NSH Petro cũng đã cung cấp ra thị trường với tổng sản lượng trong Quý III/2022 đối với xăng RON 95 là 37.210m3; RON 92 là 3.397m3 và dầu DO là 25.484m3. Trước đó, theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Quý III/2022 (đến 20/9), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO so với Quý II/2022; trong đó chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhập khẩu.
Bộ Tài chính cho biết, có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn nhưng không thực hiện nhập khẩu vào Quý III như Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; 2 thương nhân đầu mối thường nhập khẩu trong thời gian trước đây đã không thực hiện nhập khẩu vào Quý III/2022 như: NSH Petro, Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
Như vậy, theo nhận định của Bộ Tài chính, nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường (thời gian gần đây giảm liên tục).
Ông Hà Ngọc Thường, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Chi nhánh NSH Petro Cần Thơ cho biết, hiện kho của đơn vị luôn dự trữ đủ hàng, sản lượng xăng dầu trong kho khoảng 50.000m3 (tương đương 40 triệu lít ). Trung bình, mỗi ngày Tổng kho xăng dầu Trà Nóc xuất từ 100 – 120 xe bồn giao các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau (trong đó xăng chiếm sản lượng nhiều nhất).
Còn ông Mai Văn Thành, Phó Chủ tịch HĐQT NSH Petro chia sẻ: “Công ty đã rất cố gắng huy động nguồn hàng từ nước ngoài, trong nước… để đáp ứng nhu cầu cung ứng cho hệ thống và đại lý ra thị trường. Ngoài ra, mỗi ngày kho của chúng tôi xuất từ 100 – 120 xe bồn để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho vùng ĐBSCL không bị đứt gãy. Riêng hơn 100 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống NSH Petro hoạt động bình thường”.
Trước đó, ngày 6/10, liên bộ Công thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10 để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu từ nước ngoài và mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường.