Cần cân nhắc thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Việt Nam hiện đang có một số ý kiến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá. Tuy nhiên, cần đánh giá tác động của đề xuất này một cách cẩn trọng và lưu ý tới tất cả các yếu tố ảnh hưởng về kinh tế - xã hội khi thay đổi chính sách thuế quan trọng này.
Buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp
21h tối 17/12/2021, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an huyện Bù Đăng phát hiện xe tải loại 2,4 tấn đang vận chuyển 10.000 bao thuốc lá hiệu SCOT (1.000 cây). Toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc. Tài xế Hà Đức Hiệp khai nhận chở thuê toàn bộ số hàng trên từ địa bàn thị xã Phước Long về tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong rất nhiều vụ buôn lậu thuốc lá dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022 bị lực lượng chức năng bắt giữ. Thực tế, tình hình buôn lậu thuốc lá thời gian qua diễn biến phức tạp trở lại ở nhiều điểm “nóng” trên một số tuyến biên giới, đặc biệt ở các tỉnh: An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang... Với đặc điểm đường biên giới dài, lại thêm nhiều đường ngang, ngõ tắt, đường mòn, lối mở nên việc kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới vẫn luôn là thách thức cho lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu nói chung và thuốc lá nói riêng. Các “đầu nậu” đã vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn, nhiều chủng loại, bằng nhiều phương tiện như đường bộ, đường thủy từ khu vực biên giới về Việt Nam để tiêu thụ.
Tại thị trường nội địa, thuốc lá lậu ngày càng dễ dàng tiếp cận hơn, giá cả cạnh tranh hơn, nhất là những sản phẩm nhập lậu từ 15.000 đến 30.000/bao. Các sản phẩm nhập lậu này không phải đóng bất kỳ loại thuế, phí nào và có thể mua dễ dàng tại các điểm bán lẻ, các chợ đầu mối, cạnh tranh trực tiếp với thuốc lá sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu chính ngạch, vốn đang đóng góp cho ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng/năm.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: cần chọn thời điểm phù hợp
Theo ước tính, lượng thuốc lá lậu tại Việt Nam chiếm khoảng 20% thị phần, tương đương khoảng 20 tỷ điếu, dẫn đến thất thu thuế khoảng hơn 7.000 tỷ/năm. Hiện có một số ý kiến cho rằng, dù thuốc lá lậu vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả, Việt Nam vẫn nên tăng thuế TTĐB để vừa tăng thu ngân sách, giảm cầu và giảm các thiệt hại, hệ lụy khác về mặt xã hội.
Nhưng thực tế tại một số quốc gia lân cận rất đáng tham khảo khi Việt Nam đang cân nhắc thay đổi phương thức đánh thuế phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Tại Malaysia, theo một báo cáo của Oxford Economics, sau khi Chính phủ tăng thuế TTĐB gần 40% vào cuối năm 2015, giá thuốc lá hợp pháp tăng chóng mặt. Thị phần thuốc lá hợp pháp tại Malaysia vào năm 2016 đã lập tức giảm 26% và sau đó tiếp tục giảm qua các năm và cho đến năm 2020 đã giảm 42% so với năm 2015. Điều đáng chú ý là lượng tiêu thụ thuốc lá nói chung tại Malaysia (bao gồm hợp pháp và bất hợp pháp) đã tăng đều khoảng 5%/năm, chủ yếu do thuốc lá lậu tràn ngập thị trường (ghi nhận giảm nhẹ vào năm 2020 do đại dịch COVID-19). Nghiên cứu này cũng cho thấy, thị phần thuốc lá lậu đã tăng đáng kể từ năm 2016 và đã chiếm đến 64% thị trường vào năm 2020, hơn 600 triệu bao thuốc lá 20 điếu. Chỉ tính riêng năm 2018, Malaysia đã thất thu hơn 5 tỉ RM tiền thuế vì hoạt động buôn bán thuốc lá bất hợp pháp ở nước này, tương đương với gần 3% tổng số thuế thu được trong năm. Với chính sách thuế cao ngất ngưởng, Malaysia hiện là quốc gia có tỷ lệ trốn thuế thông qua thuốc lá lậu cao nhất thế giới.
Ngay cả New Zealand, quốc gia vốn được biết đến với chính sách quản lý buôn lậu, bao gồm cả thuốc lá, khá hiệu quả trong nhiều năm. Một yếu tố khác hỗ trợ cho công tác chống thuốc lá lậu của New Zealand là vị trí địa lý cách xa các nước khác, không có đường biên giới tiếp giáp với các quốc gia lân cận. Nhưng khi thuế tăng lên 73.8 cent/ điếu (tốc độ tăng khoảng 22%) từ năm 2015 đến năm 2017, lượng thuốc lá lậu đã tăng hơn gấp đôi, số tiền thất thu thuế tăng gấp 3 lần, lên tới 320 triệu NZD.
Điều đó cho thấy, ngay cả khi công tác buôn lậu thuốc lá được kiểm soát tốt, việc tăng thuế, đặc biệt là tăng đột ngột vẫn có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây thiệt hại cho nền kinh tế, tăng thất thu ngân sách, thậm chí còn tăng sản lượng tiêu thụ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu thuế TTĐB được điều chỉnh tăng theo các đề xuất hiện nay sẽ dẫn tới tăng đột biến giá của sản phẩm sản xuất hợp pháp, khiến bản đồ thị phần của ngành thuốc lá thay đổi. Tổng sản lượng tiêu thụ của ngành được dự báo sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Thuốc lá lậu sẽ lấn sân, thị phần thuốc lá lậu có thể sẽ tăng lên đến 30% - 40% và sẽ còn gia tăng mạnh hơn trong tương lai.
Liên quan đến thuế TTĐB với thuốc lá, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 6/1/2022 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, tăng thuế cần phải đánh giá tác động cẩn trọng. Bởi nếu như tăng thuế tiêu thụ thuốc lá phải đi đôi với chống buôn lậu thuốc lá. Vì nếu chỉ tăng mà không chống được buôn lậu thì sẽ phản tác dụng, dẫn đến kích thích buôn lậu thuốc lá, lúc đó lợi nhuận buôn lậu thuốc lá có khi còn cao hơn ma túy, giá thuốc lá lên quá cao sẽ đẩy buôn lậu lên.
Một số ý kiến cho rằng, đối với những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp (như đề xuất tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng trong đó có thuốc lá) cần tính toán kỹ các tác động kinh tế - xã hội, lưu tâm tới cả những hệ lụy ngoài mong muốn, các đối tượng dễ bị tổn thương (công ăn việc làm, công nhân, nông dân v.v.) trước khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thời gian hồi phục sau đại dịch.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh phương thức thu thuế, nếu có, nên được Quốc hội và Chính phủ thảo luận và chuẩn bị trong giai đoạn 2023 - 2025, khi doanh nghiệp đã hồi phục.
Thực tế sau khi tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ
Campuchia: lần gần đây nhất, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng trong năm 2016 dẫn đến lượng thuốc lá bất hợp pháp tăng 50% và thu thất thu thuế tăng hơn gấp ba lần vào năm 2017.
Pakistan: Trong 3 năm, từ 2013 đến 2016, thuế TTĐB tăng 60% ở bậc 1 và 87% ở bậc 2, khối lượng buôn bán bất hợp pháp tăng gấp đôi, dẫn đến thất thu thuế tăng 150%, lên 67 tỷ PKRn.
Philippines: Thuế TTĐB đối với thuốc lá đã tăng đột biến vào năm 2013, dẫn đến lượng thuốc bất hợp pháp tăng gấp 3 lần trong khi thất thu thuế tăng xấp xỉ 6 lần từ 2,6 đến 15,6 tỷ peso.
Macau: Sau khi tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, thất thu thuế do thuốc lá bất hợp pháp đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2016.