Cần tháo gỡ ùn tắc và cải thiện logistics tại cảng Cát Lái

08:44 20/05/2022

Ngày 19/5, tại TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan (TCHQ) tổ chức hội thảo “Giảm ùn tắc và cải thiện logistics tại cảng Cát Lái”, đồng thời công bố kế hoạch hành động để giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái – cảng container nhộn nhịp nhất tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ về dịch vụ logistics và sự tăng trưởng về xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa. Kim ngạch XNK hàng hóa từ năm 2015 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12%. Trong đó, có khoảng 90% sản lượng hàng hóa XNK của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Vì vậy, vai trò của cảng biển rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của Việt Nam với thế giới.

Cần cải thiện về logistics.

Với Cảng Cát Lái, được xem là cảng biển có vai trò quan trọng trong khu vực phía Nam. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng của khu vực chiếm tới 48,8% cả nước, trong đó sản lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái luôn ở vị trí cao nhất. Năm 2021, sản lượng đạt 5,62 triệu Teus. Trung bình cảng đón khoảng 80-90 chuyến tàu/tuần, 16.400 lượt xe ôtô ra vào, thời kỳ cao điểm lên đến 20.000 lượt xe.

Với tốc độ phát triển và sản lượng hàng hóa thông qua như vậy, cảng biển Cát Lái gần như đã hoạt động hết công suất, giao thông tại cầu cảng và đường bộ sau cảng thường trong tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác cảng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến chi phí logistics hàng hóa XNK. Dự đoán lượng container đi qua cảng Cát Lái sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, gây áp lực lớn lên hệ thống và cơ sở hạ tầng hiện có của cảng Cát Lái nên cần khẩn trương tiến hành các biện pháp cải tiến.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đến từ cơ quan hải quan, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp (DN) thảo luận về kế hoạch hành động này. Đây là kết quả của Nghiên cứu tiền khả thi về chống ùn tắc và tạo thuận lợi trong hoạt động logistics tại cảng Cát Lái được thực hiện bởi Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021.

Nghiên cứu đã xem xét một cách toàn diện các hoạt động của cảng trên diện tích 160 ha nhằm đánh giá hiệu quả vận hành, các điểm nghẽn và vướng mắc trong quá trình tăng cường năng lực xếp dỡ của cảng, đồng thời đưa ra 21 khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Những khuyến nghị này bao gồm từ việc tận dụng các giải pháp công nghệ thông tin để tăng cường luồng thông tin và thông quan hàng hóa đến việc bố trí hoặc mở rộng hạ tầng cảng và cải thiện hiệu suất hoạt động.

Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, Dự án nghiên cứu đánh giá tiền khả thi về chống ùn tắc nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động logistics tại cảng Cát Lái là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đánh giá cao các khuyến nghị về việc quy hoạch, nâng cấp hạ tầng kết nối giao thông ngoài cảng. Điển hình, các dự án giao thông kết nối với khu vực cảng Cát Lái như: dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, dự án mở rộng đường nguyễn Thị Định, dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4… Đẩy nhanh tiến độ triển khai Trung tâm Logistics Cát Lái (60-100ha). Đây là tổng kho phân phối hàng hóa cho toàn bộ cụm cảng TP Hồ Chí Minh kết nối với các cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu XNK hàng hóa khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam…

“Giảm bớt tắc nghẽn tại các cảng của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi thương mại dần phục hồi hậu COVID-19. Nghiên cứu tiền khả thi tại cảng Cát Lái do USAID thực hiện đã đề xuất một kế hoạch hành động cho cảng container nhộn nhịp nhất Việt Nam này với mục tiêu giúp cảng có thể xử lý lượng container dự kiến sẽ tăng cao. Nỗ lực này tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, bà Ann Marie Yatishock - Giám đốc USAID Việt Nam phát biểu.

T.Hà

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文