Chợ Tết: Người bán ngóng người mua
Ngày 6/2 tức ngày 27 tháng Chạp nhưng theo ghi nhận tại một số chợ ở khu vực Hà Đông, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Mỹ Đình, Thành Công cho thấy, người mua cũng không đông như mọi năm. Giá cả hàng hóa phần lớn chỉ biến động nhẹ.
Chuối xanh đắt đỏ, bưởi rẻ ê hề
Chị Thương Huyền (tiểu thương chợ Hà Đông- Hà Nội) cho biết, chợ Tết năm nay không đông như mọi năm. Những năm trước bán hàng không ngơi tay, nhà phải có thêm người phụ. Năm nay chợ vắng, khách đi cả xe máy vào trong chợ, mua hàng thoải mái vẫn không tắc đường, vì thế chị cũng không cần có ai phải phụ giúp .
Khu vực chợ Xốm, chợ Cổng, chợ Văn La (Hà Đông) cũng tương tự, hàng hoá bày bán phong phú. Các hàng trái cây, hoa tươi vẫn bán ở vỉa hè phía ngoài chợ như bình thường, không có cảnh chen lấn, xô đẩy, cũng không có những sản phẩm trưng bày, tiêu dùng độc lạ dịp Tết. Người dân sáng 27 Tết chủ yếu đi mua sắm đồ thiết yếu và hoa, cây cảnh; bưởi, chuối...
Tại chợ Mỹ Đình ngày 27 tháng Chạp, không khí mua sắm chỉ sôi động hơn ngày thường chút ít. Còn tại chợ Thành Công, từ gần 1 tuần trước, các hàng đào, quất cảnh đã được bán tại vỉa hè khu vực quanh chợ. Trên đường Quang Trung, Trần Phú (Hà Đông), đường Trường Chinh đào, quất được bày bán khá nhiều. Tuy nhiên người mua cũng khá thưa vắng. Có hàng còn treo biển bán rẻ thu hồi vốn.
Tại các siêu thị, khách có tăng lên. Siêu thị mở thêm cửa thanh toán để giảm ùn ứ. Dù vậy, so với cùng kỳ các năm trước, sức mua vẫn kém.
Ghi nhận thị trường cho thấy, giá hầu hết sản phẩm phục vụ Tết ổn định. Giá thịt lợn, giò vẫn ổn định so với cách đây 1 tuần. Giá thịt bò chỉ tăng nhẹ.
Tuy nhiên, chợ Tết cũng có một số mặt hàng tăng giá đột biến. Đó là một số loại hoa quả để bày mâm ngũ quả truyền thống. Tại chợ Ngô Sĩ Liên, chuối xanh loại to 200.000 đồng/nải; chợ Mỹ Đình giá dao động 80.000-100.000 đồng/nải; chợ Cổng (Hà Đông) chuối xanh loại to đẹp 7.000 đồng/1 quả, nải to đẹp cũng tầm trên 100.000 đồng. Trung bình giá chuối xanh bán 3.000 - 7.000 đồng/1 quả. Chuối nhỏ hơn giá rẻ hơn. Các chợ đều rất nhiều chuối xanh và vắng người mua nhưng người bán không giảm giá.
Cùng với đó, trầu cau cũng khá đắt. Hiện cau tươi có giá 20.000 đồng/quả. Ngược lại, giá bưởi thờ có cuống tươi, không tạo hình nghệ thuật chỉ 15.000-25.000 đồng/quả. Thanh long, xoài 40.000 đồng/kg, dừa cảnh Bến Tre 25.000-30.000 đồng/quả. Đặc biệt, quất bày quả năm nay khá đắt đỏ, tại các chợ bán với mức giá trung bình khoảng 2.000 đồng/1 quả. 1 chục đẹp có giá từ 20.000 đồng-30.000đ. Mua theo kg thì có mức giá trên 60.000 đồng/1kg.
Giá các loại hoa tươi cũng tăng. Hoa cúc đại đóa nhích nhẹ lên 6.000 đồng/bông, trong khi hoa ly hồng và ly cam 5 tai giá 30.000 đồng/cành, đắt hơn ngày thường khoảng 10.000 đồng/cành. 1 chậu 3 cành ly có giá 100.000 đồng.
Hàng chục nghìn điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ người tiêu dùng
Trong ngày 5-6/2, Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm hàng hoá và các hoạt động triển khai phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của các địa phương (đến nay, đã có 46/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về việc triển khai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và Tết nguyên đán 2024), công tác chỉ đạo các sở ban ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm. Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của người dân như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, xăng dầu...
Phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hoá của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình. Một số địa phương như: Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn cho các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Tại các địa phương, công tác bảo đảm cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng đã được triển khai từ rất sớm. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tình hình hàng hoá dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, giá cả không có biến động bất thường.
Tại TP Hà Nội, tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 32 đơn vị tham gia Chương trình, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với thực hiện Tết 2023).
Tại TP Hồ Chí Minh, tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 45 doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43% trên thị trường. Về giá cả, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu.
Chương trình bình ổn thị trường của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có sự tham gia nhiệt tình, có hiệu quả nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao, đảm bảo nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu người dân trong dịp Tết.