Chủ động phục hồi kinh tế theo lộ trình, có kiểm soát
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT đang dần hoàn thiện đề án phục hồi kinh tế. Đề án xác định cả năm 2022 và 2023 sẽ là giai đoạn phục hồi kinh tế.
Trong tháng 10 này, sẽ trình các cấp có thẩm quyền thông qua. Theo đó, Bộ này đang yêu cầu các địa phương nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tại cuộc họp trực tuyến mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 là triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Hiện, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế tại Quyết định số 3204/QĐ-UBND ngày 1/9/2021 nhằm xây dựng các kịch bản và giải pháp cho công tác phòng, chống dịch, công tác an sinh xã hội, giải pháp phục hồi kinh tế và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư.
Trong các nhóm giải pháp, TP Hồ Chí Minh xác định nguyên tắc quan trọng nhất là mở cửa an toàn từng bước tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân TP Hồ Chí Minh trên nguyên tắc “đảm bảo an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải đảm bảo an toàn”. Quá trình phục hồi kinh tế theo hướng dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh với thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch”.
Tuy nhiên, để hồi phục được, ông Võ Văn Hoan đã nêu 4 kiến nghị trong đó, đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia; kiến nghị Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh ở mức 23%; Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong y tế, giáo dục… thông qua việc cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm việc đấu giá cho đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống dịch; Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn trung ương cho 3 dự án trọng điểm mà TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị. “Quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm. Chúng tôi ước tính riêng TP Hồ Chí Minh cần khoảng 8 tỷ USD và 6-9 tháng để phục hồi kinh tế”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đồng Nai trong tình hình mới. Trong đó, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu công nghiệp (KCN), DN đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" được lựa chọn 1 trong 2 phương án: Thực hiện hoán đổi hoặc bổ sung lao động để duy trì sản xuất.
Ngoài ra, DN có thể phối hợp chính quyền địa phương cho người lao động đi, về hàng ngày. Đối với DN không thực hiện "3 tại chỗ" nhưng có nhu cầu hoạt động trở lại, có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án: Đăng ký phương án "3 tại chỗ" hoặc cho người lao động đi, về nhà hàng ngày nhưng phải đảm bảo các điều kiện.
Tại Bình Dương, tỉnh này đang trong lộ trình về trạng thái “bình thường mới”, mở cửa từng phần phục hồi kinh tế -xã hội; trong đó tiêm đầy đủ vaccine sẽ giúp người dân an toàn hơn để sống chung với COVID-19.
Trong khi đó, tại Hà Nội, thành phố đã thiết lập nguyên tắc 3 vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Tại “vùng xanh”, nhiều đơn vị đã quay trở lại hoạt động. Trong đó, chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực ở mức cao nhất để hỗ trợ và DN chủ động phòng, chống dịch, nhằm bảo đảm việc sản xuất của đơn vị được an toàn ở mức cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Thược, Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại phụ kiện ngành may Tam Niên (KCN Thạch Thất - Quốc Oai) cho biết, đơn vị có 140 lao động, chủ yếu có nhà ở, hoặc thuê chỗ ở trên địa bàn huyện Thạch Thất và Quốc Oai. Đến nay, đơn vị đã được huyện tạo điều kiện, phê duyệt phương án sản xuất an toàn, cho phép 70% lao động trở lại làm việc. Chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch, đơn vị thực hiện đồng thời 2 phương án "1 cung đường 2 điểm đến” và “3 tại chỗ”, để công nhân yên tâm lao động. Đến nay, đã có hơn 90% lao động trong công ty được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo “Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, kết quả tổng thể của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý IV.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối vững chắc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ. Vì vậy, các DN hoạt động trở lại càng sớm càng tốt để khôi phục sản xuất và giữ vững vị trí của mình trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trước hết là từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất của DN, kết hợp với các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, bảo vệ chỗ đứng của DN Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Đáng mừng là hiện nay TP Hồ Chí Minh, khu vực sản xuất lớn của cả nước, đã lên kịch bản để các DN có thể từng bước mở cửa trở lại sản xuất, tùy theo các điều kiện phòng, chống cũng như khống chế dịch bệnh. Dù rằng đây mới chỉ là kế hoạch và chưa rõ thời điểm chính xác, song vẫn là tín hiệu rất tốt để các DN có thể sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu để bắt tay sản xuất trở lại.
Từ đó, nối lại dòng chảy xuất nhập khẩu, giúp hoạt động này đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, theo ông Hải, việc mở cửa trở lại nền kinh tế không có nghĩa là tất cả hoạt động sản xuất, dịch vụ sẽ ngay lập tức trở lại như trước khi có dịch. Khi mở cửa trở lại, an toàn phòng dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu. Điều kiện an toàn có thể thông qua các tiêu chí như người lao động đã được tiêm vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Ngoài ra, có thể đề xuất thêm những tiêu chí khác như: Người lao động thuộc vùng xanh, vùng cam, những nơi có ít ca lây nhiễm trong một thời gian nhất định.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vực lại sản xuất, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần tập trung triển khai nghiêm túc và hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tập trung hỗ trợ cả về thể chế hành chính và tín dụng-tài chính, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh với mục tiêu phấn đấu luỹ kế đến hết năm 2021, ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh và đại đa số DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động... cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.