"Cò" làm loạn giá bán sầu riêng, nhà vườn Tây Nguyên cần thận trọng

09:06 13/08/2023

Tây Nguyên mới chỉ bước vào đầu vụ thu hoạch sầu riêng nhưng đã xuất hiện tình trạng kẻ mua, người bán tranh nhau. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều nhóm "cò" sầu riêng xuất hiện đã khiến giá sầu riêng liên tiếp nhảy múa, tăng giá bất thường...

Sầu riêng tăng giá, nhà vườn bẻ hợp đồng

Hơn một tuần qua, các nhà vườn sầu riêng trên địa bàn huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk diễn ra cảnh tấp nập mua bán, cắt hái sầu riêng. Là một trong những địa phương của tỉnh Đắk Lắk có vùng trồng sầu riêng bước vào thu hoạch sớm nên giới "cò" sầu riêng cũng dạt về hoạt động khá nhộn nhịp.

Giữa trưa 11/8, gia đình anh Nguyễn Đăng Vinh (trú tại xã Ea Kuêh, huyện Cư M'gar) đang tất bật cắt những quả sầu riêng đến kỳ thu hoạch để bán cho thương lái. Anh Vinh cho biết, với hơn 3ha đất canh tác cà phê, gia đình anh trồng xen hơn 100 cây sầu riêng đã cho thu hoạch hơn 3 năm qua. Năm nay, vườn của anh ước tính đạt khoảng hơn 2 tấn quả.

Gia đình anh Nguyễn Đăng Vinh thu hoạch sầu riêng bán cho thương lái.

"Khoảng 1 tháng trước, một thương lái chuyên thu mua sầu riêng từ Tây Ninh lên đặt cọc cho gia đình hơn 300 triệu đồng, chốt với giá 65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá sầu riêng đã nhảy lên từ 85.000-90.000 đồng/kg. Thấy họ mua giá cao gia đình cũng thấy tiếc và xót ruột. Tuy nhiên, mình đã đồng ý chốt bán cho người ta từ đầu mùa, lúc trái còn non chưa biết đẹp xấu ra sao nên mình phải thực hiện đúng thỏa thuận. Tuy nhiên, chị thương lái cũng rất tử tế, mua đồng giá từ quả to đến nhỏ với giá 72.000 đồng/kg. Với giá bán này, gia đình cũng thấy lời lắm rồi", Anh Vinh cười nói.

Tuy nhiên, không phải người nông dân nào cũng thật thà, chất phác như anh Vinh. Việc giá sầu riêng liên tiếp tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn đã dẫn đến nhiều nhà vườn sẵn sàng bỏ cọc, bẻ hợp đồng.

Nói về vấn đề này, chị Đặng Thị Yến, một thương lái chuyên thu mua sầu riêng hàng chục năm nay cho hay, chưa có năm nào chị gặp tình cảnh giá cả sầu riêng lại tăng chóng mặt như năm nay. Kéo theo đó, nhiều nhà vườn sẵn sàng bỏ cọc, bẻ hợp đồng khiến người thu mua lâm vào cảnh lao đao.

"Từ 2 tháng trước, mình đã đi rất nhiều nhà vườn, chọn những vườn có cây, quả đẹp để chốt giá, chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và Campuchia. Lúc đó, giá sầu riêng ở Tây Nguyên đang thấp, mình chốt các vườn với giá 65.000 đồng/kg. Thế nhưng gần đến lúc cắt, nhiều nhà vườn kiếm cớ "bẻ" hợp đồng. Một nhà vườn ở huyện Ea Kar nhận 900 triệu tiền cọc bán khoảng 70 tấn sầu riêng, nếu bên nào vi phạm sẽ đền gấp 3. Thế nhưng, khi có người đến chốt giá 85.000 đồng/kg thì nhà vườn này đã tự ý bẻ cọc nhưng chỉ trả lại 900 triệu đồng tiền cọc cùng đền tiền phá vỡ hợp đồng thêm 900 triệu. Để bù số hàng 70 tấn này, tôi còn chưa biết kiếm đâu ra. Nếu không đủ hàng thì tôi cũng bị phía đối tác bắt đền cọc gấp 3 lần hợp đồng", chị Yến ngán ngẩm.

Còn chị Nguyễn Thị Ân, một chủ vựa thu mua trái cây từ tỉnh Tây Ninh lên mua sầu riêng cũng gặp phải tình cảnh tương tự. "Giữa tháng trước, mình có đến một vườn sầu riêng ở tỉnh Đắk Nông xem. Sau khi xem, mình với chủ vườn thống nhất chốt giá 65.000 đồng/kg, mình đã chuyển hơn 800 triệu đồng đặt cọc. Tuy nhiên, ngày hôm qua, nhà vườn gọi điện báo có người vào mua với giá 85.000 đồng/kg nên sẵn sàng phá vỡ hợp đồng. Không chỉ vậy, khi mình phân tích chấp nhận mua giá cao hơn hợp đồng nhưng người này vẫn không chịu mà còn lớn tiếng thách thức "muốn làm gì thì làm"", chị Ân buồn bã nói.

"Cò" liên tiếp đẩy giá sầu riêng

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những nguyên nhân khiến giá sầu riêng mua tại vườn tăng chóng mặt là do có sự tham gia của nhiều nhóm "cò đất" chuyển sang làm "cò chốt giá sầu riêng". "Nhóm người này chả hiểu gì về sầu riêng, cứ chốt bừa rồi sang tay kiếm lời. Ngoài ra, một số thương lái, "cò" sầu riêng người Trung Quốc, Thái Lai cũng có mặt ngay tại các vùng trồng sầu riêng để trực tiếp thu mua khiến giá bán sầu riêng liên tiếp tăng đột biến", một thương lái cho hay.

Theo tìm hiểu, những ngày gần đây, trên địa bàn các huyện của tỉnh Đắk Lắk cũng như Đắk Nông có vùng trồng sầu riêng đã liên tiếp xuất hiện nhóm người Trung Quốc, Thái Lan đến trực tiếp tận vườn để chốt giá thu mua sầu riêng. Theo đó, những người này thường có 1-2 người phiên dịch kiêm "cò" dẫn đi xem vườn, họ ưng vườn nào là chốt với giá cao hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg. "Có thể họ có nguồn tiêu thụ nhưng cũng có thể họ làm vậy để khiến thị trường loạn giá, sau đó quay sang áp đặt giá mua. Người nông dân khi thấy họ mua giá cao thì sẵn sàng bẻ cọc, chấp nhận bán cho họ mặc dù không biết những người này là ai", chị Đặng Thị Yến phân tích.

Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Ngô Tường Vy (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu ở huyện Krông Pắk) cho hay, việc nông dân hủy hợp đồng cọc đã làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như tình hình kinh tế tài chính của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể lấy lý do nông dân bẻ cọc để hủy hợp đồng với đối tác vì sẽ phải bồi thường và cái thiệt hại lớn nhất là uy tín, thương hiệu.

Theo bà Vy, mức giá đã chốt trước đây với người dân từ 60.000 - 65.000 đồng/kg thì người nông dân đã có lãi rất nhiều. Nếu vườn nào có tỷ lệ 90% hàng loại 1 thì có thể mua với giá 80.000 đồng/kg, tỷ lệ vườn 60% hàng loại một thì chỉ có thể mua 65.000 - 70.000 đồng/kg là hợp lý. "Tuy nhiên, nông dân không hiểu vấn đề này mà vẫn cho rằng giá chốt hiện nay là 90.000-95.000 đồng/kg là cho cả vườn dẫn đến hủy cọc. Trái sầu riêng thu hoạch khá đặc thù chỉ trong một thời gian ngắn, nếu họ đặt cọc rồi mà không đến thu mua thì người nông dân cũng sẽ dễ bị thua lỗ, lúc đó không biết bán cho ai", bà Vy phân tích.

Còn ông Lê Anh Trung (Phó Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk) cho rằng, tình trạng thổi giá hiện nay sẽ tạo nên hệ lụy khiến các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bị phá vỡ hoàn toàn. Để tránh tình trạng xung đột lợi ích về sau, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk khuyến cáo thành viên là người nông dân và hợp tác xã trong việc thực hiện các hợp đồng thương mại. "Khi ký kết hợp đồng cần kiểm tra đánh giá kỹ lưỡng năng lực doanh nghiệp xuất khẩu; cơ sở đóng gói ở đâu, quy mô công xuất như thế nào. Đừng vì cái lợi trước mắt mà giữa các bên làm mất niềm tin với nhau, khó cùng nhau phát triển sau này", ông Trung nói.

Đảm bảo an toàn cho người dân và thương lái

Trao đổi thêm về vấn đề trên, Trung tá Thái Khắc Chính, Trưởng Công an huyện Cư M'gar cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau khi mùa vụ diễn ra, đơn vị đã có kế hoạch để bảo vệ mùa màng, đem lại bình yên cho nhân dân.

Theo đó, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng Công an các xã tổ chức thường xuyên "đến từng vườn, gõ cửa từng chòi rẫy" để nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống trộm cắp mùa sầu riêng. Riêng lực lượng Công an huyện, các xã luôn cắt cử 30% quân số để đi tuần tra các điểm để cùng nhân dân phòng, chống trộm cắp.

Đối với vấn đề "loạn giá" sầu riêng, Trung tá Chính cho rằng, đó chỉ là các hợp đồng dân sự, là quyền mua bán của người dân và thương lái. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh trật tự, tránh những hệ luỵ về sau, Công an huyện đã thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.

"Hiện các xã đều thành lập nhóm Zalo kết nối với từng chủ vườn để khi có thông tin các nhóm "cò", thương lái có biểu hiện đến các vườn trả giá cao bất thường, thương lái có yếu tố nước ngoài… thì nông dân thông báo ngay. Công an không làm khó việc làm ăn, buôn bán nhưng phải kiểm tra nhân thân những người lạ mặt, trả giá cao bất thường cũng như năng lực tài chính đến đâu, có làm ăn thật hay không. Qua công tác xác minh nhằm ngăn chặn nạn ép giá, bảo kê mùa sầu riêng từ những nhóm người lạ mặt", Trung tá Chính nói.

Văn Thành

Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh việc thành lập, triển khai tổ chức bộ máy của Công an TP Huế là sự kiện chính trị rất quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mới của lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tối 29/12, tại quảng trường Ngọ Môn (Đại Nội Huế), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của TP Huế giai đoạn 2023 – 2025.

Chiếc áo đấu của Xuân Son bị rách trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Singapore tối 29/12. Song cũng chính tình huống khiến chiếc áo đấu của số 12 bị rách đã giúp tuyển Việt Nam có bàn thắng đầu tiên được ghi trong hiệp 1 tại ASEAN Cup 2024.

Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về an toàn giao thông (ATGT) để tập trung xử lý nghiêm vi phạm, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của CBCS để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông

Chiều 29/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới khi TP Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Quy định 3 chế độ quản lý dao có tính sát thương cao gắn với mục đích sử dụng; bổ sung các loại vũ khí quân dụng; cắt giảm các giấy tờ, thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ... là một số điểm mới được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Sáng 29/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam Nguyễn Văn Linh (SN 2000, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và Thái Nguyễn Triều (SN 2004, trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文