Còn nhiều dư địa để giảm giá xăng dầu
Hiện còn rất nhiều dư địa để giảm giá xăng dầu, trong đó cần sử dụng công cụ khác để điều tiết mức tăng sao cho phù hợp, hợp lý mà vẫn đảm bảo sự tăng giá của xăng dầu nhưng không tăng giá quá cao so với xăng dầu thế giới.
Tại diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Kiểm soát lạm phát- Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế” do Tạp chí Hải quan tổ chức chiều 9/3, chia sẻ về vấn đề giảm thuế đối với xăng dầu, ông Nguyễn Bích Lâm, Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Hiện chúng ta còn rất nhiều dư địa để giảm giá xăng dầu, trong đó cần sử dụng công cụ khác để điều tiết mức tăng sao cho phù hợp, hợp lý mà vẫn đảm bảo sự tăng giá của xăng dầu nhưng không tăng giá quá cao so với xăng dầu thế giới.
Giá xăng dầu vừa qua tăng liên tiếp theo giá xăng dầu thế giới, dự báo kỳ điều hành tới giá cả sẽ tiếp tục tăng mạnh và chưa có điểm dừng. Giá xăng dầu tăng mạnh liên tiếp đã kéo theo giá các mặt hàng có đầu vào là xăng dầu tăng theo và nguy cơ lạm phát đang hiện hữu.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trong những tháng đầu năm 2022, có những nguy cơ và yếu tố tác động rất lớn và có những yếu tố gần như không thể lường trước được đã diễn ra như xung đột giữa Nga và Ukraina, giá xăng dầu tăng phi mã không thể đoán định được. Bình quân 1 tháng giá xăng dầu thành phẩm chỉ từ 98 USD nay vượt mức 130 USD/ thùng. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng nguyên liệu thành phẩm đều đang tăng mạnh. Đây là 1 trong những yếu tố rủi ro cao nhất tới giá cả và lạm phát.
Ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia, thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc tăng giá xăng dầu rõ ràng là một yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bởi xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực vận tải. Do vậy, giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng.Nguyên nhân là do nhu cầu thế giới hồi phục rất nhanh, trong khi đó sản lượng dầu không tăng thêm nhiều để đủ bù đắp.
Về vấn đề giảm thuế đối với xăng dầu, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, giảm giá xăng dầu, sẽ giảm sức ép lạm phát nhưng giảm nhiều quá thì sẽ hụt thu ngân sách, do vậy điều chỉnh chính sách về thuế cần sự đánh giá, tính toán một cách toàn diện. Hiện, 40% trong giá xăng dầu là thuế phí. Do vậy, để giảm sức ép trong thời gian tới cần phải có công cụ khác như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), bảo vệ môi trường (BVMT).
Hiện, VAT giảm 2% cho hàng tiêu dùng, còn xăng dầu thì không được. Điều đó cho thấy, chúng ta còn rất nhiều dư địa để giảm giá xăng dầu, giá xăng dầu vẫn tăng nhưng không tăng cao quá so với giá xăng dầu thế giới. Trên thực tế, chúng ta không thể so sánh giá xăng dầu trong nước với giá các nước phát triển như Anh, Mỹ. Theo đó, cần dùng các công cụ để điều tiết mức tăng sao cho phù hợp, hợp lý để nền kinh tế không phải trả giá quá cao do tác động của giá xăng dầu thế giới.
Theo ông Khang, việc điều chỉnh giảm thuế (BVMT) trong giá xăng dầu có thể được nghiên cứu kĩ hơn, đánh giá kĩ hơn và đề xuất giảm mạnh hơn vì theo tính toán, giảm 1.000 đồng như vậy thì ngân sách sẽ hụt thu khoảng 12.000 tỷ đồng nhưng nếu giá xăng tăng 10% sẽ có tác động trực tiếp làm lạm phát tăng khoảng 0,36%. Nhưng nếu giá xăng giảm 5% thì sẽ khiến lạm phát giảm 0,6-0,7%.
Theo ông Nguyễn Xuân Định, trên thực tế, xăng dầu là mặt hàng đặc thù bởi giá phụ thuộc vào yếu tố tâm lý, chính trị và vị thế của các nước ít khi bị ảnh hưởng bởi chi phí. Nên giá phụ thuộc vào giá thế giới, giá trong nước cũng phụ thuộc theo. Theo dự báo của nhiều tổ chức, cơ quan trên thế giới thì giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng.
Trước sự tăng giá đột biến bất thường trong thời gian qua cho thấy việc dự báo ngắn hạn vô cùng khó mà chủ yếu dự báo yếu tố trung hạn và dài hạn. Do vậy, công tác điều hành thiên về hướng đặt ra kịch bản giá xăng dầu. Với một mức tăng Chính phủ sẽ có những phản ứng chính sách như thế nào với quan điểm về các biện pháp ứng phó trong từng hoàn cảnh như thế. Với quan điểm những biện pháp ứng phó trong từng hoàn cảnh thì cơ chế điều hành giá xăng dầu tương đối minh bạch.
Về vai trò của Quỹ bình ổn trong thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Định cho rằng: “Quỹ bình ổn giá là công cụ hữu hiệu cho công việc điều hành giá trong nước. Ví dụ trong thời gian việc sử dụng Quỹ khá lớn trong nhiều kỳ và trong những thời điểm nhạy cảm đã giúp bình ổn giá hiệu quả. Đây là một trong những công cụ tốt trong quản lý điều hành. Việc ứng phó với các tình huống thì việc sử dụng quỹ bình ổn đóng vai trò quan trọng”.
Bên cạnh đó, giải pháp căn cơ hiện nay vẫn phải đảm bảo được nguồn cung không để thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Theo đó, các địa phương đảm bảo nguồn cung để tránh đầu cơ găm hàng tích trữ, đồng thời, cần tăng cường công tác điều tra giám sát là giải pháp đặc biệt trong thời gian tới để ổn định và góp phần bình ổn lạm phát trong năm 2022.