Hiệp định EVFTA sau 4 năm có hiệu lực:

Củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu

07:56 01/08/2024

Tròn 4 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020 - 1/8/2024), các chuyên gia nhận định, quan hệ kinh tế - thương mại thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU. Eurocham cũng cho biết, EVFTA đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng vọt

Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ ba của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. Hiệp định EVFTA có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 1/8/2020, thời gian qua đã giúp hàng hóa Việt Nam tận dụng tốt cơ hội tiếp cận và thâm nhập thị trường EU, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ưu đãi thuế quan, hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) hiểu về EVFTA cao hơn so với các FTA khác, gần 50% DN từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA, kim ngạch XK từ Việt Nam sang EU tăng 16,7% vào năm 2022 và gần 20% năn 2023.

Kết quả khảo sát với các DN châu Âu về tác động của hiệp định EVFTA của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể XK của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019, lên hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Tăng trưởng thể hiện rõ trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản. Tuy nhiên, mức tăng XK của châu Âu sang Việt Nam khiêm tốn hơn, từ 11 tỷ euro lên 11,4 tỷ euro trong cùng kỳ.

Liên minh châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, kim ngạch XK hàng hóa sang EU tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023, đạt trên 4,28 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XK hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, XK sang đa số các thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, XK nhiều nhất sang thị trường Hà Lan đạt trên 6,14 tỷ USD; đứng thứ 2 là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, tăng nhẹ 3,27%; đứng thứ 3 là thị trường Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, tăng 9,23%; XK sang thị trường Tây Ban Nha đạt gần 1,97 tỷ USD, tăng 20,68%....

Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Italia Dương Phương Thảo cho biết, ngày càng có nhiều DN Italia tìm đến Việt Nam để cung ứng hàng hóa cũng như đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất. Nhiều thương hiệu nổi tiếng của Italia đầu tư thành công tại Việt Nam như: ENI, Fincantieri, Piaggio, Bonfiglioli, Datalogic, Ariston... và họ đang có ý định mở rộng đầu tư hơn nữa. Hiện nay, những mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh khi XK sang Italia là: Cà phê, hạt tiêu, hạt điều bóc vỏ, điện thoại và linh kiện, giày dép... Đặc biệt, Việt Nam và Italia hợp tác rất chặt chẽ trong lĩnh vực dệt may, da giày, năng lượng...

Theo Thương vụ, tiềm năng thị trường Italia còn nhiều, song có nhiều nguyên nhân khiến DN Việt Nam vẫn khó tiếp cận. Trong bối cảnh thị trường nhiều cạnh tranh, Thương vụ khuyến nghị, các DN XK cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để tiếp cận công nghệ, máy móc thiết bị, hàng hóa phục vụ sản xuất của Italia. Đồng thời, nên đa dạng hóa sản phẩm, ngoài trái cây tươi, có thể đẩy mạnh sản xuất quảng bá trái cây sấy dẻo, sấy khô, nước quả chiết xuất hoặc bột quả.

Tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam

Theo Eurocham, EVFTA đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu. Khối Liên minh châu Âu (EU), vốn là nhà đầu tư lớn tại quốc gia này, đã rót 28 tỷ euro vào 2.450 dự án. Eurocham nhấn mạnh niềm tin của EU vào tiềm năng của Việt Nam. Đáng chú ý, các nhà đầu tư EU đã bổ sung 800 triệu euro vào đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023, đi ngược lại xu hướng FDI đang giảm trên toàn cầu.

Khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) cho thấy, EVFTA chắc chắn mở ra cơ hội cho các DN châu Âu, tuy nhiên, thách thức vẫn đan xen. Gần 2/3 ý kiến tham gia khảo sát cho biết đã nhận được lợi ích, tuy nhiên ở những mức độ khác nhau. Dù vậy, còn 1/4 số công ty chia sẻ chưa thấy bất kỳ lợi ích nào. Các thành viên EuroCham đánh giá việc giảm thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường là những lợi ích chính. Những lợi thế khác có thể đề cập tới như chuỗi cung ứng hợp lý, cải thiện tính minh bạch trong kinh doanh và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn.

Khảo sát của BCI của EuroCham cũng cho thấy một số trở ngại mà các doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt khi tận dụng tối đa EVFTA. Những trở ngại này bao gồm các yêu cầu pháp lý phức tạp và việc chính quyền địa phương không công nhận các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các bên liên quan không hiểu rõ thỏa thuận, vấn đề về định giá hải quan và thủ tục thông quan chưa minh bạch, làm phức tạp hóa hoạt động thương mại. Rào cản kỹ thuật đặc biệt tồn tại trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm. Dù vậy, ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam khẳng định, EVFTA chắc chắn đã tạo ra những cơ hội mới cho các DN châu Âu tại Việt Nam. Khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng mặc dù đã đạt được tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Bước sang năm thứ 5 của thỏa thuận, Chủ tịch Eurocham nhấn mạnh nỗ lực đơn giản hóa thủ tục, thống nhất các tiêu chuẩn và đảm bảo mọi người đều hiểu cách thức hoạt động của EVFTA.

Phó Chủ tịch EuroCham Jean-Jacques Bouflet cho biết thêm, EuroCham Việt Nam đang tích cực ủng hộ việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) như một bước quan trọng để mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù các tổ chức EU đã phê duyệt, EVIPA vẫn yêu cầu phê chuẩn riêng lẻ từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Với 18 quốc gia thành viên đã phê chuẩn hiệp định, EuroCham Việt Nam đang làm việc với các bên liên quan của châu Âu để khuyến khích các quốc gia còn lại cùng đồng hành.

“EuroCham cam kết hỗ trợ các thành viên tận dụng tối đa cơ hội mà EVFTA mang lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng của Việt Nam để giải quyết thách thức còn tồn tại, đảm bảo rằng cả DN châu Âu và Việt Nam đều có thể tận dụng tối đa lợi ích của thỏa thuận mang tính bước ngoặt này”, ông Meichle khẳng định.

Lưu Hiệp

Những ngôi nhà "3 cứng", "2 ổn định" xuất phát từ chủ trương nhân văn, ý nghĩa của Bộ Công an, việc thực thi quyết liệt, kịp thời của Công an các địa phương và lực lượng phối hợp đã giúp nhiều hộ dân có nơi ở an toàn, vững chãi qua mưa bão. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi nhóm phóng viên chúng tôi trực tiếp đến những ngôi nhà mới để nghe những người dân xúc động trải lòng...

Ngày14/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai trước kỳ họp thứ VIII Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên đồng chí Bùi Thị Minh Hoài tiếp xúc cử tri Thủ đô kể từ khi nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Chiều 14/10, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đang điều tra vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa Mỹ phẩm Mỹ Hảo, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 304, ngày 27/6/2017 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh và Quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự số 4555/QĐ-CSKT-Đ3 ngày 12/4/2024 của Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文