Trò chuyện Chủ nhật

Cung ứng hàng hóa Tết trong bối cảnh dịch bệnh

08:22 09/01/2022

Từ cuối năm 2021, bên cạnh việc tích cực phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các hoạt động kinh tế cũng đang dần phục hồi. Công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động triển khai sớm nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ, giá cả ổn định cho Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trước tình trạng, số ca dương tính bùng phát tại một số địa phương ngày càng tăng khi Tết cận kề, Chuyên mục trò chuyện cuối tuần Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương Trần Duy Đông về việc cung ứng hàng hoá trong dịp Tết và những kịch bản đảm bảo cung ứng hàng hoá tới người dân trong vùng bùng phát dịch. 

Ông Trần Duy Đông.

PV: Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch bệnh có ảnh hưởng gì tới nguồn cung hàng hóa Tết không, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Đến nay, các doanh nghiệp (DN) đã cơ bản dự trữ hàng Tết, đảm bảo cung ứng hàng hoá phục vụ nhu cầu Tết của người dân. Theo thông lệ hàng năm, hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào, riêng mặt hàng rau củ hiện nguồn cung giảm so với cùng kỳ do thời tiết không thuận lợi và ảnh hưởng của dịch COVID-19 giai đoạn trước một bộ phận người nông dân mới bắt đầu gieo trồng trở lại.

Tuy nhiên, tình hình lưu thông hàng hóa được thông suốt từ Bắc vào Nam, thời gian sinh trưởng của rau củ không dài và kỳ vọng vào việc Trung Quốc sớm mở lại cửa khẩu nên nguồn cung các mặt hàng này dịp Tết Nguyên đán sẽ sớm tăng trở lại. Đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi và dịch COVID-19 tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các DN trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các DN chăn nuôi đồng thời nhu cầu cũng không tăng cao như mọi năm nên nguồn cung tiếp tục bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán.

PV: Vậy, về sức mua và giá cả sẽ biến động ra sao vào dịp này, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Dịch COVID-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước gây ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2021 đạt 4.789.495 tỷ đồng, giảm 3,76% so với năm 2020, trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa giữ được mức tương đương năm 2020 (tăng nhẹ 0,15%). Trong cơ cấu nhóm hàng hàng hóa, chỉ có ngành hàng lương thực, thực phẩm có sự tăng trưởng (tăng 10,57%) và là ngành hàng duy nhất hỗ trợ cho nhóm bán lẻ hàng hóa không giảm so với năm 2020 do trong giai đoạn dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội, mặt hàng tiêu dùng chủ yếu của người dân là các mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống. Như vậy, tốc độ phát triển của nền kinh tế bị ảnh hưởng, thu nhập của nhiều bộ phân người dân nhìn chung đều giảm, vì vậy dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Về giá cả hàng hoá cuối năm được dự báo tăng theo quy luật thị trường, song giá không tăng cao như thông lệ hàng năm. Các DN tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5-10%, trong trường hợp tăng giá do chi phí vận chuyển, nguyên liệu...tăng, sẽ có báo cáo gửi Sở Tài chính.

PV: Đến nay, nguồn cung cho chương trình bình ổn thị trường và sự chuẩn bị của các địa phương, DN ra sao, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Tại các địa phương, thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các DN và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

UBND tỉnh một số tỉnh, thành phố đã có chỉ đạo, khuyến nghị các DN huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động (Cần Thơ, Đồng Nai), cung ứng/vận chuyển hàng Tết miễn phí cho người dân ở các vùng hải đảo, miền núi (như tại Kiên Giang, Bình Thuận)…

Một số địa phương tiếp tục linh hoạt trong phương thức triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường như mở rộng nhóm hàng hoá thuộc diện bình ổn thị trường, thực hiện bình ổn thị trường cả năm đối với một số hàng hoá thiết yếu trong danh mục của địa phương như Bình Dương (thực hiện bình ổn thị trường đối với mặt hàng giáo dục, sữa học đường, hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết); Lạng Sơn (ngoài những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, UBND tỉnh chủ trương thực hiện bình ổn thị trường đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp).

Tại TP Hồ Chí Minh, để tạo nguồn cung cho Chương trình bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành với sự tham gia của 600 DN sản xuất và DN phân phối đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chương trình đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các địa phương, đồng thời tạo nguồn hàng cho Chương trình bình ổn thị trường với giá hợp lý và ổn định trong dịp Tết.

Bên cạnh việc khuyến khích các DN sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, UBND các tỉnh/thành phố tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ DN thực hiện bình ổn thị trường như hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng; vay vốn với lãi suất 0% hoặc có thể hỗ trợ chi phí một số hạng mục trong chương trình như chi phí thuê mặt bằng, chi phí quảng cảo trên các phương tiện truyền thông tại địa phương hoặc chi phí vận chuyển, cấp phát logo miễn phí…

Đến nay, đã có 26/63 tỉnh, thành phố có báo cáo/ kế hoạch dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trong đó có 11 địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường.

PV: Hiện hàng ngàn xe chở nông sản đang ùn tắc ở các cửa khẩu biên giới Việt - Trung, cùng với đó, ở trong nước một số nông sản đang vào vụ thu hoạch. Để hỗ trợ người dân, DN, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp kích cầu trong nước và thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong dịp Tết này như thế nào?

Ông Trần Duy Đông: Kết quả xuất khẩu nông sản trong năm 2021 qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc cho thấy Chính phủ, các Bộ, ngành và các tỉnh biên giới phía Bắc đã hết sức nỗ lực để bảo đảm lưu thông hàng hóa qua biên giới, giúp tiêu thụ một lượng lớn nông sản hàng hóa cho nông dân. Tình trạng ùn tắc như hiện nay chủ yếu và trực tiếp là do Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero COVID", từ đó áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để phòng chống dịch.

Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, tổng số phương tiện đang chờ tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến ngày 3/1/2022 là 4.250 xe. Hiện, các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đã trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt - Trung cũng như trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vận chuyển, lưu thông (nhất là Bộ Giao thông vận tải trong việc lưu thông hàng hóa), tiêu thụ nông sản, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, hạn chế tình trạng nông sản bị ách tắc trong lưu thông, đảm bảo cung ứng hàng hóa. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về hàng hóa, sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng của Việt Nam nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường nhằm hỗ trợ định hướng sản xuất kinh doanh cho người dân và cho DN ...

Khuyến khích các DN chủ động tham gia, các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, như: Chương trình Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia năm 2021 để thực hiện kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa; các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn cần tăng cường các hoạt động kết nối với hệ thống phân phối trong nước như Sai Gon Coopmart, Bách Hóa Xanh, Vinmart, Tập đoàn T&T, Post mart, Aeon, Mega Market… và các DN sản xuất, chế biến để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước cũng như tăng cường sản xuất, chế biến sâu nâng cao giá trị nông sản Việt.

Tiếp tục đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

PV: Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân đón Tết, ngành Công Thương đã thực hiện những gì, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Để góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT về tình hình cung-cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, khuyến khích các DN tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường bảo đảm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý... Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành điều hành giá xăng dầu cũng như các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá một cách hợp lý; kịp thời hỗ trợ DN, xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa, bảo đảm không đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文