Đảm bảo cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn.
Theo đó, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối tăng nguồn cung cho thị trường Tết gấp 2-3 so với bình thường. Các DN tham gia bình ổn thị trường cung ứng lượng hàng hóa chiếm 25% - 40% nhu cầu của thị trường; 60% - 75% còn lại là thị phần của các DN sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ…
Cụ thể, các DN tham gia bình ổn thị trường sẽ chuẩn bị nguồn vốn dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết là 19.881,1 tỉ đồng (tương đương năm ngoái). Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ 1 đến 30 tháng Chạp) là 11.024,2 tỉ đồng, trong đó riêng hàng bình ổn thị trường là 4.182,9 tỉ đồng.
Với số vốn như trên, các DN bảo đảm được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch TP giao, nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22% - 54,5% nhu cầu như: thịt gia cầm chiếm 54,5%, trứng gia cầm chiếm 47%, thực phẩm chế biến chiếm 28,1%, thịt gia súc chiếm 21%, dầu ăn chiếm 27,5%, gạo chiếm 31,5%.
Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các DN tham gia bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…
Đối với các chợ, thì hiện TP Hồ Chí Minh có 2/3 chợ đầu mối hoạt động trở lại là chợ Bình Điền và chợ Hóc Môn. Tổng lượng rau củ quả, thủy hải sản về chợ đầu mối Bình Điền ước đạt 1.100 tấn/đêm, tổng lượng rau củ quả về chợ đầu mối Hóc Môn ước đạt 1.500 tấn/đêm và chợ cũng đang dần ổn định trở lại.
Riêng chợ đầu mối Thủ Đức chỉ hoạt động điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, lượng hàng về khoảng 300 tấn/đêm. Còn 233 chợ truyền thống, hiện đã có hơn 190 chợ đã hoạt động trở lại. Để đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho thị trường, Sở Công Thương đã có văn bản đôn đốc các địa phương sớm đưa các chợ trở lại hoạt động, tăng cường nguồn hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm.
Còn với hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) đến nay hầu hết đã mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới và cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường. Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, các DN sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo…
Nhiều loại trái cây độc, lạ phục vụ Tết Nguyên đán
Ông Huỳnh Công Thống (ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) là người đầu tiên ở TP Cần Thơ trồng cây nho thân gỗ. Loại cây này độc đáo ở chỗ trái có hình dáng giống trái sung, hương thơm như rượu vang, từ vỏ đến hạt đều ăn được và có vị chát, chua và ngọt.
Những năm trước, vào dịp Tết Nguyên đán ông luôn chuẩn bị khoảng 300 cây nho thành phẩm để cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên năm nay, do dịch bệnh nên ông Thống không mặn mà với thị trường Tết. "Tôi có vài chục chậu, cứ để vậy tới Tết là ra trái và bán với giá từ 1,2-1,5 triệu đồng/cây, giảm 50% so với năm rồi", ông Thống nói.
Ông Võ Trung Thành (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) là "cha đẻ" của bưởi hồ lô. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông đều tung ra thị trường hàng ngàn sản phẩm độc, lạ, như: bưởi hồ lô Tài - Lộc, bưởi thỏi vàng… Năm 2021, diễn biến dịch COVID-19 khó lường, ông Thành dừng ý định sản xuất cho thị trường Tết.
Theo ông Thành, cứ vào tháng 5 hàng năm, ông chọn thuê những vườn bưởi Năm Roi đẹp của nhà vườn ở Vĩnh Long, Sóc Trăng và bắt đầu cho vào khuôn tạo hình. Tuy nhiên năm nay, dịch COVID-19 bùng phát và các địa phương áp dụng Chỉ thị 15 và 16, ông Thành gặp khó khăn trong việc di chuyển nên đã dừng việc sản xuất bưởi hồ lô Tài - Lộc, bưởi thỏi vàng.
Anh Bùi Văn Thức, chuyên sản xuất xoài in chữ thư pháp ở huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) chia sẻ ban đầu dự định làm 500 trái xoài in chữ bán Tết Nguyên đán. Tuy nhiên nhiều nơi không làm trái cây tạo hình nên anh nhận được nhiều đơn hàng xoài in chữ thư pháp.
Năm nay sản phẩm cũng đa dạng kiểu chữ hơn. "Hiện khách hàng đã đặt gần 1.000 trái xoài in chữ thư pháp. Tôi đang tìm hiểu thêm nhu cầu thị trường, để có những thay đổi cho phù hợp nhưng chỉ sản xuất với số lượng hạn chế", anh Thức nói.
Tết này, anh Huỳnh Thanh Tâm (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cũng không làm bưởi tạo hình và chỉ làm khoảng 300 trái dừa in chữ theo đơn đặt hàng của đối tác. Tết Nguyên đán năm ngoái, anh Tâm cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 trái dừa hồ lô, 1.000 trái bưởi hồ lô. "Năm nay, ai đặt hàng, mình mới làm để giữ mối", anh Tâm nói.
Tuy không trực tiếp sản xuất nhưng anh Tâm chuyển giao kỹ thuật và bán khuôn bưởi tạo hình cho khách hàng. Trong đó, 700 khuôn bưởi thỏi vàng và khuôn bưởi hồ lô cung cấp cho một hộ dân ở huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), 500 khuôn cho khách hàng ở khu vực miền Bắc.
Huyện Lai Vung là xứ trồng quýt hồng nổi tiếng ở tỉnh Đồng Tháp. Do tình hình dịch bệnh, người dân trồng quýt hồng trực tiếp trên đất vườn nên ít hộ trồng chậu. Toàn huyện chỉ có khoảng hơn 1.000 chậu bán Tết. Quýt hồng trồng chậu, từ lúc trồng đến thu hoạch trái là khoảng 2,5 năm, riêng từ lúc ra trái đến khi chín là 10 tháng. Nhà vườn tùy vào cây sẽ để số lượng bình quân từ 25-60 trái/cây. (Văn Vĩnh)