Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu thị trường
Đào tạo nghề, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn đang được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. Công tác đào tạo nghề đã được đổi mới, đa dạng hình thức đào tạo, theo hướng xã hội hóa, hợp tác liên kết để nâng cao chất lượng và gắn với nhu cầu xã hội.
Yên Bái có trên 535.000 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 65%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt trên 33%. Nhu cầu đào tạo nghề rất lớn, người dân đã ý thức được việc học nghề để tìm kiếm việc làm và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là lao động nông thôn. Mỗi năm, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 18.000 người.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, cũng như trình độ, kỹ năng nghề của học viên sau hoàn thành khóa học là một thách thức không nhỏ đối với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Do vậy, các cơ sở dạy nghề tìm hướng đổi mới, chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương.
Ông Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, nhiều hình thức đào tạo nghề được áp dụng, như đào tạo tập trung, đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, liên kết đào tạo... nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng ngành nghề đào tạo. Đồng thời, phương pháp đào tạo nghề được đổi mới, lấy người học là trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức để hình thành kỹ năng, tác phong chuyên nghiệp cho người lao động.
Chương trình đào tạo nghề song bằng quốc tế tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái là một điển hình về liên kết với nước ngoài đào tạo nghề chất lượng cao, Chương trình học này đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe về kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tác phong, ứng xử, đạo đức… Khi tốt nghiệp, học viên sẽ nhận hai bằng tốt nghiệp Cao đẳng của Việt Nam và bằng tốt nghiệp có trình độ châu Âu do Viện Tiểu thủ công nghiệp và Kỹ năng nghề HWKF Leipzig, Đức cấp.
Yên Bái đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề, thu hút các cơ sở dạy nghề ngoài công lập tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Tỉnh liên kết với các doanh nghiệp từ khâu xây dựng chương trình đào tạo đến tạo làm việc tại doanh nghiệp; đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo trong tỉnh với các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh, nước ngoài nhằm thu hút lao động trẻ tham gia học nghề.
Tại Yên Bái, mô hình liên kết đào tạo nghề giữa ba nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp đã trở thành mô hình thực sự hữu ích, giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường. Từ khâu quản lý đào tạo cho đến hỗ trợ việc làm được nhà trường hợp tác toàn diện với doanh nghiệp, do vậy giúp giảm thời gian, chi phí cho người học.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái Lê Anh Tuấn, việc tham gia mô hình " ba nhà” đã giúp nhà trường cụ thể hóa chủ trương, chính sách của tỉnh Yên Bái về công tác đào tạo nghề, đồng thời thỏa mãn nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp tại địa phương. Từ đó, đưa ra định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học viên, đồng thời có giải pháp đào tạo sát thực tế, cung cấp nguồn lao động đảm bảo chất lượng cho doanh nghiệp.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, việc xã hội hóa công tác dạy nghề đã mở ra nhiều cơ hội cho việc liên kết đào tạo nghề ở các trình độ, gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp từ các khâu tuyển sinh - đào tạo - sử dụng. Đến nay, địa bàn tỉnh Yên Bái có hàng chục cơ sở đào tạo ngoài tỉnh hợp tác, liên kết với địa phương, doanh nghiệp để tham gia đào tạo tại cơ sở.
Tỉnh Yên Bái xác định phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số là một trong 3 đột phá chiến lược mà Đảng bộ tỉnh đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ 2020-2025. Yên Bái đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 71% vào năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, tỉnh tiếp tục quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu nhân lực của tỉnh và thị trường lao động; xã hội hóa để nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, Yên Bái tập trung hỗ trợ nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao đạt cấp độ quốc tế, ASEAN, quốc gia; mở rộng học nghề bằng nhiều hình thức phù hợp đến người lao động, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tỉnh thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.