Đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
Tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu số học sinh giáo dục nghề nghiệp được tuyển mới trong năm 2024 là 17.000 người. Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số gắn với đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có khoảng gần 4.500 lao động đến đơn vị để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Nguyên nhân nghỉ việc chủ yếu do thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, trong đó, ngành may mặc có số người lao động (NLĐ) làm việc trước khi thất nghiệp nhiều nhất.
Trong năm 2023, toàn tỉnh cũng có gần 11.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Số lao động chủ yếu nghỉ việc từ ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, ngành giáo dục - đào tạo... Cùng với hoạt động giải quyết TCTN cho người lao động thất nghiệp (LĐTN), từ năm 2023 đến nay, Trung tâm DVVL tổ chức tư vấn, giới thiệu học nghề cho hơn chục ngàn trường hợp LĐTN, đồng thời tăng cường công tác tư vấn NLĐ hưởng TCTN tham gia các lớp đào tạo nghề, mở các lớp dạy nghề sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn gắn với tạo việc làm cho người học nghề. Trong đó, tập trung các ngành nghề như: may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật pha chế đồ uống…
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nhi (trú huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) cho biết, chị làm công nhân may mặc đã gần 9 năm nay nhưng sau khi lập gia đình, do công ty cách nhà hơn 40km, con nhỏ nên không thể tiếp tục công việc. Sau khi đến Trung tâm DVVL làm TCTN, chị được tư vấn và đăng ký học lớp chế biến món ăn. Hiện, chị Nhi đang làm nhân viên phục vụ nhà hàng tại khách sạn 4 sao ở TP Huế với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng.
Hiện, Trung tâm DVVL đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên trang fanpage "Việc làm Huế", đồng thời tổ chức khai thác kho dữ liệu cung - cầu lao động để dự báo ngắn hạn thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh; tổ chức khai thác dữ liệu thông tin về doanh nghiệp, nhu cầu việc làm, tuyển dụng, học nghề, dự báo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu các ban, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm kết nối việc làm đến với LĐTN.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đầu ra của học sinh, sinh viên sau khi ra trường, những năm gần đây, một số trường ở Thừa Thiên Huế đã đào tạo học sinh, sinh viên theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Vì vậy, ngay sau lễ tốt nghiệp, các em được ký hợp đồng với các doanh nghiệp để đi làm. Đơn cử như mới đây, 120 học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng Du lịch Huế (trực thuộc Bộ VH-TT&DL, được Chính phủ phê duyệt để phát triển là một trong số những trường nghề chất lượng cao - PV) ngay sau buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp đã có 36 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến trường tuyển dụng như: Vinpearl Golf, Sun World, Mikazuki, Vedana Lagoon Resort & Spa, Indochine Palace… và các tập đoàn tuyển dụng làm việc tại Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc với nhu cầu tuyển dụng hơn 2.845 vị trí việc làm. Tại đây, mỗi học sinh, sinh viên có 18 cơ hội lựa chọn vị trí việc làm ngay khi vừa tốt nghiệp, ra trường.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 17.034 người (trong đó, có 1.586 lao động thuộc hộ nghèo, 1.560 lao động thuộc hộ cận nghèo); có 2.325 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (trong đó, có 103 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) ở các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Trong năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu, số học sinh giáo dục nghề nghiệp được tuyển mới hàng năm là hơn 17.000 người. Với chỉ tiêu đặt ra, phấn đấu đưa tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề nghiệp và đại học đạt trình độ chuyên môn, tay nghề đáp ứng yêu cầu thực tế của nhà tuyển dụng đạt trên 85%, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,5%. Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 1.800 người, trong đó, chủ yếu là trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số gắn với đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện miền núi A Lưới có 6 hợp tác xã cùng nhiều cơ sở dệt zèng hoạt động thường xuyên với sự tham gia của hàng trăm phụ nữ Tà Ôi. Sự ra đời của các hợp tác xã đã giúp cho công việc sản xuất zèng của người dân đi vào bài bản, chuyên nghiệp, thu nhập ổn định… Bằng các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, huyện A Lưới đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế kết hợp phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với du lịch văn hóa truyền thống dân tộc.
Vợ chồng chị Hồ Thị Ngam (trú thôn A Tia, xã Hồng Kim, huyện A Lưới) là hộ nghèo hơn 15 năm. Sau khi được vay vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế, vợ chồng chị đã thoát khỏi hộ nghèo, vươn lên là một trong những tấm gương sáng về làm kinh tế trong xã vào năm 2021. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, chị thu lãi từ trồng chuối và chăn nuôi khoảng 70 triệu đồng. Từ khi chị thành công với mô hình trồng chuối già lùn, đã có nhiều phụ nữ trong bản, xã đến để học hỏi kinh nghiệm…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, tỉnh tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.