Đâu là “tội đồ” gây nên nợ xấu?

06:45 31/05/2022

Dù chỉ chiếm 0,1% dư nợ của toàn nền kinh tế, song tỷ lệ nợ xấu của các khoản cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán lại đứng đầu bảng, với tỷ lệ nợ xấu lên tới 19,57%; trong khi đó, nợ xấu cho vay tiêu dùng lại chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 48 nghìn tỷ đồng.

Nợ xấu tiêu dùng, BĐS, chứng khoán cao

Trong báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây, số liệu nợ xấu của các lĩnh vực cho vay đã được công bố cụ thể.

Theo đó, trong thời gian qua, với sự chủ động, nỗ lực của các TCTD, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Đến ngày 31/12/2021, tổng nợ xấu nội bảng là 190,48 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,49%, giảm so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết số 42 (tại thời điểm ngày 31/7/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCDT là 2,51%).

Xét về giá trị thì nợ xấu trong lĩnh vực tiêu dùng là cao nhất; tiếp theo là bất động sản (BĐS); đầu tư, kinh doanh chứng khoán; BOT, BT giao thông.

Cụ thể, đến ngày 31/12/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của hệ thống các TCTD là 2.076,7 nghìn tỷ đồng, trong đó bao gồm dư nợ tín dụng tiêu dùng để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở, chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu đối với lĩnh vực BĐS là 34,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 1,67%.

Đối với lĩnh vực tiêu dùng, đến ngày 31/12/2021, dư nợ tín dụng tiêu dùng của hệ thống các TCTD là 2.081,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,9% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu cho vay tiêu dùng là 48,65 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,8% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,34%.

Đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, đến ngày 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là 10.934,3 tỷ đồng, chiếm 0,1% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 2.140,5 tỷ đồng, chiếm 1,13% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 19,57%. Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu là 892,5 tỷ đồng, chiếm 0,01% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 28,2 tỷ đồng, chiếm 0,01% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,87%.

Đối với lĩnh vực BOT, BT giao thông, đến ngày 31/12/2021, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT là 114,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,09% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu đối với các dự án BOT, BT là 7,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,92% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 6,48%.

Tỷ lệ nợ xấu cho vay đầu tư chứng khoán lên đến gần 20%. Ảnh minh họa.

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng BĐS

Phân tích sâu hơn theo yêu cầu làm rõ “Tỷ lệ tín dụng BĐS hiện nay”, báo cáo khẳng định trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, đặc biệt là kinh doanh BĐS, khuyến khích tập trung nguồn vốn vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Dòng vốn vào thị trường BĐS gồm nhiều nguồn: vốn chủ đầu tư, vốn của người mua nhà, vốn tín dụng ngân hàng, vốn ngân sách Nhà nước, vốn FDI,... 

Về kênh cung ứng vốn từ tín dụng ngân hàng trong nước, trong những năm qua, dư nợ tín dụng BĐS luôn có sự tăng trưởng nhưng mức tăng đã giảm (từ 26,76% năm 2018 xuống 15,37% năm 2021); tỷ trọng khoảng 19-20% tổng dư nợ nền kinh tế. Đồng thời, tỷ trọng dư nợ tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng BĐS cao hơn mục đích kinh doanh BĐS. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng đối với phân khúc nhà ở luôn chiếm tỷ trọng cao nhất (trên 60% dư nợ tín dụng BĐS) cho thấy ngành ngân hàng tập trung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu thiết yếu về nhà ở của người dân.

Về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của TCTD, Chính phủ báo cáo, trong thời gian qua, để đảm bảo an toàn hoạt động các TCTD và hỗ trợ thị trường TPDN phát triển bền vững, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc TCTD mua, bán TPDN tương tự như hình thức cấp tín dụng khác, ban hành các quy định về hoạt động mua, bán TPDN của TCTD, quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, thường xuyên thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động đầu tư TPDN của TCTD.

Đến cuối tháng 3/2022, tổng số dư đầu tư TPDN là 326,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,0% so với cuối năm 2021 (chiếm tỷ trọng 2,95% tổng dư nợ tín dụng). Trong đó, đầu tư TPDN với mục đích xây dựng, kinh doanh BĐS là 124,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,15% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 38,2% trong tổng số dư đầu tư TPDN. Tổng số dư đầu tư TPDN với mục đích tăng quy mô vốn của doanh nghiệp phát hành đến cuối tháng 3/2022 là 101,5 nghìn tỷ đồng (tăng 7,18% so với cuối tháng 12/2021), chiếm 31,6% trong tổng số dư đầu tư TPDN của toàn hệ thống.

Bổ sung thông tin về nợ xấu, Chính phủ cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các TCTD đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2% (đến cuối tháng 3/2022 là 1,53%).

Tuy nhiên, trên tinh thần xem xét một cách thận trọng, nếu bao gồm cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN có nguy cơ chuyển nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao 5,76% cho thấy chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD nói chung và tại một số TCTD nói riêng cần tiếp tục được lưu ý trong thời gian tới, dù theo quy định của pháp luật hiện hành thì đây chưa phải là nợ xấu mà là những khoản nợ do cơ quan quản lý nhà nước chủ động nhận diện, có các giải pháp quản lý, kiểm soát và dự phòng trong trường hợp những khoản nợ đó có thể chuyển thành nợ xấu trong tương lai...

Hà An

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文