Doanh nghiệp tăng tới 30% lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết
Ngày 8/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước – Bộ Công Thương, kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19 nên người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.
Ước, dự trữ hàng hoá tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.
Năm nay, kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng. Đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đến thời điểm này, các kênh phân phối trên cả nước đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đảm bảo cho dịp Tết.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15%- 30% so với Kế hoạch Tết 2022. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Tại TP Hồ Chí Minh, dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường. TP Hồ Chí Minh cũng đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu. Đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để người dân được mua hàng hóa với giá ổn định.
Đối với tình hình kiểm soát giá, bà Phùng Ánh Ngọc, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành địa phương điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với Bộ Công Thương quản lý, điều hành đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định. Đồng thời đề xuất các giải pháp để ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô.
Để bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả; theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; Phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Sở Công Thương và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết.
Đảm bảo đủ xăng dầu cho người dân đi chơi Tết, du xuân
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu đã cơ bản trở lại bình thường. Nguồn hàng đã cơ bản đáp ứng đầy đủ lượng đã đăng ký. Đối với nguồn nhập khẩu, hiện nay, các hội viên đã đáp ứng được nhu cầu phân giao của Bộ Công Thương. Công ty Nam Sông Hậu đã kết nối với hải quan để tái hoạt động kho Trà Nóc và Cái mép, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho miền Tây Nam bộ. Nhìn chung, nguồn hàng đáp ứng đủ nhu cầu cho trước, trong và sau tết.
Vào dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp xăng dầu cam kết sẽ tổ chức bán hàng bình thường. Các cửa hàng đều có phương án đảm bảo nguồn và phòng cháy chữa cháy. Dự báo nhu cầu tết sẽ tăng nhưng sẽ đảm bảo đủ xăng dầu cho người dân đi chơi Tết, du xuân
Hiện nay, không còn tình trạng xếp hàng ở các cửa hàng xăng dầu. Có những cửa hàng thời điểm vừa qua bán tăng trưởng đến 70%. Đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Liên quan đến cung ứng xăng dầu, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.