Du lịch Đà Nẵng sẵn sàng “mở cửa”

10:07 16/10/2021

Sau nhiều tháng phải ngưng hoạt động và gánh chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh COVID-19, ngành Du lịch TP Đà Nẵng đang chuẩn bị các phương án đón khách theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt” để nắm lấy cơ hội phục hồi và phát triển.

Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã trình UBND TP kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn, sẵn sàng “mở cửa” hoàn toàn khi cả nước chuyển trạng thái “bình thường mới”...

Trong 2 năm 2020-2021 là giai đoạn đầy biến động đối với ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch. Nhóm ngành dịch vụ-du lịch chiếm 64,3% cơ cấu kinh tế của TP đã liên tục sụt giảm với mức tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm 2021.

Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, qua 4 đợt dịch từ đầu năm 2020 đến nay, 90% doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP đã tạm dừng hoạt động. Gần 42.000 lao động, tương đương 80% lao động trực tiếp ngành Du lịch và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp có liên quan đã và đang thất nghiệp. Nhiều lao động ngành Du lịch không có việc làm và có xu hướng chuyển sang ngành nghề khác.

Cầu Vàng khu du lịch Bà Nà Hills, một trong những điểm tham quan thu hút du khách đến với Đà Nẵng.

Thời điểm hiện tại, TP Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch COVID-19, gần 2 tuần qua không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng. TP đã từng bước nới lỏng giãn cách và thực hiện các quy định mới đối với người từ các tỉnh, thành phố khác vào Đà Nẵng theo hướng không buộc cách ly tập trung đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc có giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, việc mở cửa đối với ngành Du lịch còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, vướng mắc lớn nhất là khung pháp lý, các quy định về phòng, chống dịch, như quy định về thẻ xanh, quy định về cách ly, phong tỏa, ra vào các địa phương… của các tỉnh, thành trên cả nước cũng như quốc tế chưa có sự đồng bộ, nhất quán. Quy định về đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine ở Việt Nam mới ở giai đoạn thí điểm.

Việc đàm phán hộ chiếu vaccine với các nước còn đang trong quá trình triển khai. Tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine của Việt Nam còn khá thấp. Dự kiến thời điểm lao động ngành Du lịch tại Đà Nẵng được tiêm đủ 2 mũi vaccine sớm nhất vào tháng 12/2021 nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến lộ trình mở cửa du lịch. Không những thế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do lực lượng lao động du lịch trước đây đã chuyển đổi ngành nghề, chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc…

Tuy vậy, ngành Du lịch nói chung, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nói riêng vẫn nóng lòng khôi phục lại hoạt động. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp du lịch đã chạm đến giới hạn. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn sớm được hoạt động trở lại để có doanh thu, vượt qua khủng hoảng, nắm bắt cơ hội thu hút khách sau khi dịch COVID-19, giữ khách ở lại thị trường Đà Nẵng. Hiệp hội cũng đã bàn bạc với Sở Du lịch TP Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Hiệp hội Du lịch Việt Nam về các giải pháp để phục hồi ngành Du lịch.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, căn cứ tình hình thực tế, Sở Du lịch đã cập nhật, điều chỉnh kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch TP theo phương châm: “Chủ động - thích ứng - linh hoạt để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người lao động du lịch cộng đồng”. Kế hoạch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và triển khai phương án đón khách du lịch nội địa và phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong tình hình bình thường mới; triển khai các biện pháp, quy trình phòng, chống dịch tại các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch đồng bộ; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cấp, rà soát trang thiết bị, tiện nghi, nghiên cứu sáng tạo và hoàn thiện các dịch vụ… để đảm bảo chất lượng dịch vụ, vận hành tốt, an toàn. Sở Du lịch đã có phương án dành cho khách nội địa lẫn quốc tế.

Cụ thể, đối với khách nội địa sẽ chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ ngày 20/10 tới và khởi động bằng du lịch tại chỗ, phục vụ nhu cầu của người dân TP. Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ tháng 11/2021 theo mô hình “bong bóng du lịch”, tạo một hành lang du lịch an toàn nhằm trao đổi nguồn khách giữa Đà Nẵng với một số địa phương trong nước đã kiểm soát được dịch bệnh. Giai đoạn 3 sẽ khôi phục toàn bộ khi Chính phủ cho phép hoạt động trở lại trên cả nước.

Đối với khách quốc tế, Đà Nẵng sẽ bắt đầu thí điểm đón khách du lịch từ tháng 11/2021 với 2 nhóm khách, gồm khách thương mại và khách Việt kiều nhập cảnh vào Việt Nam để công tác, thăm thân, hồi hương.

“Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nga. Hiện chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin tích cực như khách Hàn Quốc đi du lịch từ Việt Nam trở về thì không phải bị cách ly, khách Nga từ Việt Nam về chỉ cách ly 7 ngày. Dự kiến nếu được đồng ý, thời gian tới các doanh nghiệp sẽ đưa khách Hàn Quốc đến với số lượng 2 chuyến bay/tuần và khoảng 2.000-4.000 khách/tháng đối với khách Nga” - bà Hạnh chia sẻ.

Nhằm đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu của du khách, TP Đà Nẵng sẽ ứng dụng công nghệ vào quản lý, khuyến khích các tour, tuyến ở "vùng xanh", nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Sắp tới, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng sẽ triển khai kế hoạch truyền thông Điểm đến Đà Nẵng, với slogan “Enjoy Đà Nẵng! - Hãy thưởng thức và tận hưởng Đà Nẵng!” và sẽ có nhiều chương trình, sản phẩm du lịch đi theo slogan này. Tháng 6/2022, Đà Nẵng sẽ tổ chức sự kiện du lịch Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022).

Ngành Du lịch Đà Nẵng cũng nỗ lực làm mới các sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch thủy nội địa; sinh thái, cộng đồng và chuẩn bị các sự kiện, chương trình thu hút khách phù hợp. Ngành Du lịch Đà Nẵng đang nỗ lực khôi phục cùng với với thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; xây dựng hình ảnh điểm đến Đà Nẵng an toàn, mến khách và hấp dẫn…

Thân Lai

Người dân phấn khởi nhận nhà mới, yên tâm phát triển kinh tế và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Họ cam kết giữ gìn ngôi nhà, tích cực tham gia các phong trào thi đua góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lạc Sơn để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 4/11, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm". Hội thảo nhằm mang đến những giải pháp tổng thể cho an toàn giao thông xe máy ở Việt Nam và góp phần chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới.

Bức xúc khi chứng kiến đối tượng trộm cắp xe máy giữa ban ngày, anh Nguyễn Công Định (ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã lao thẳng xe vào tên trộm rồi sau đó cùng người dân khống chế thành công đối tượng trộm cắp xe máy.

Tối 4/11, Công an TP Tân Uyên (Bình Dương) đã tạm giữ hình sự đối với Lê Minh Trung (SN 1977; ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ngày 3/11, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây sử dụng không gian mạng hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Ngày 3/11, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an tỉnh Sơn La về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文