Du lịch Vĩnh Long phục hồi và bứt phá

08:40 13/12/2022

Du lịch của tỉnh Vĩnh Long đã dần phục hồi sau dịch COVID-19 thể hiện qua việc lượng du khách đến tăng mạnh. Để phát huy các tiềm năng, lợi thế trong ngành công nghiệp “không khói”, tỉnh Vĩnh Long đã kêu gọi nhà đầu tư vào các dự án du lịch để khai thác, đầu tư đồng bộ phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.

Lượt khách tăng mạnh

Năm 2022, tổng lượt khách đến Vĩnh Long ước đạt 1 triệu lượt (tăng 150% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 5.500 lượt, tăng 180%). Doanh thu đạt 480 tỷ đồng, tăng 155%. Để đạt được kết quả này, tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều giải pháp vực dậy ngành công nghiệp “không khói”.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng UBND huyện Long Hồ, tổ chức đoàn tham quan, trải nghiệm và giới thiệu du lịch miệt vườn ở các xã cù lao.

Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết: Qua gần 2 năm chịu tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19, các cơ sở du lịch gặp khó khăn lớn nhất về nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động. Giai đoạn dịch bệnh bùng phát, Vĩnh Long thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, các hoạt động kinh doanh du lịch cũng tạm dừng trong thời gian dài, không có doanh thu khiến các cơ sở không đủ trang trải chi phí duy trì; hạ tầng xuống cấp; tour tuyến cũng đứt gãy nên phải xây dựng, kết nối lại.

“Điều quan trọng nhân lực lao động phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch phải ngừng việc giai đoạn dịch bệnh bùng phát, đến giai đoạn bình thường mới thì đã chuyển nghề gần hết, nhất là lực lượng hướng dẫn viên. Vì vậy khi lượng khách tăng trở lại, các cơ sở gặp khó trong việc tuyển nhân sự có trình độ, kỹ năng nghề phù hợp để phục vụ khách”, ông Phan Văn Giàu nói. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch mở cửa trở lại, sở đã phối hợp với các ngành hỗ trợ kịp thời để phục hồi du lịch như: giảm giá điện; giảm 50% mức thu đối với việc cấp các loại giấy phép về du lịch, lữ hành; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ; chính sách cho vay hỗ trợ kinh doanh, chính sách hỗ trợ bên BHXH, bảo hiểm thất nghiệp,… Nhờ vậy, lượt khách và doanh thu du lịch đạt nhiều kết quả khả quan.

Du khách thích thú khi tham quan và thưởng thức đặc sản tại cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống ở cù lao An Bình (huyện Long Hồ).

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Long), năm 2022, đơn vị tập trung thực hiện tốt các mặt công tác theo chỉ đạo và các nhiệm vụ trọng tâm. Phòng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội kèm theo công tác tuyên truyền du lịch Vĩnh Long an toàn, thân thiện và hấp dẫn, đóng góp tích cực trong việc thu hút du khách quay lại với du lịch. “Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền “Du lịch Vĩnh Long an toàn, thân thiện và hấp dẫn”, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ từ những điều khoản chung trong nội dung ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm quảng bá, kích cầu, đẩy nhanh phục hồi du lịch. Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, ông Nguyễn Trọng Tín cho hay.

Tỉnh Vĩnh Long đã tận dụng, khai thác tốt thế mạnh du lịch sông nước miệt vườn.

Xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt

Tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Long. Nhân hội nghị này, tỉnh Vĩnh Long đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, trao chủ trương đầu tư và chứng nhận đầu tư vào các dự án du lịch và thương mại tổng trị giá hơn 5.500 tỷ đồng, gồm: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Giông (TP Vĩnh Long); Khu đô thị sinh thái, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí và du lịch Cồn Chim (TP Vĩnh Long); Di sản đương đại Mang Thít (huyện Mang Thít) và Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL kết hợp du lịch giải trí (huyện Vũng Liêm) và 7 dự án thương mại ở TP Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít. Tỉnh Vĩnh Long cũng đang tập trung tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch mới như: Du lịch cộng đồng tại Phú Thành - Cù lao Mây; du lịch Làng mai vàng Phước Định - Cù lao An Bình; khai thác giá trị khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Vũng Liêm).

Khách quốc tế đến Vĩnh Long tăng mạnh và thích thú với hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Phương Oanh.

Phát huy lợi thế sông nước miệt vườn sẵn có, bên cạnh sản phẩm du lịch homestay chủ lực, du lịch Vĩnh Long thời gian tới sẽ phát triển sản phẩm du lịch làng nghề trên nền “Di sản đương đại Mang Thít”. Trước mắt tỉnh sẽ thực hiện các phần việc phục vụ nhiệm vụ lập quy hoạch, phân khu chức năng, kêu gọi đầu tư. Sau đó đẩy mạnh truyền thông xây dựng hình ảnh “Vương quốc gạch gốm đỏ huyền thoại” đặc thù và duy nhất trên dải đất chữ S, tạo dấu ấn khác biệt và gia tăng sự hào hứng tìm hiểu, tham quan của khách du lịch. “Song song đó, ngành chú trọng gắn kết hoạt động du lịch với hoạt động nông nghiệp, chế biến nông sản, cụ thể sẽ xây dựng kênh phân phối nông sản đạt chuẩn, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch thông qua việc trưng bày, bán nông sản đạt chuẩn và sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch, các di tích, các khu tưởng niệm danh nhân nhằm đa dạng hóa dịch vụ mua sắm tại các điểm đến trong toàn tỉnh”, Giám đốc Sở VH-TT &DL nhấn mạnh. Sở cũng tiếp tục hỗ trợ công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đa phương thức trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá trên mạng xã hội, cổng du lịch, tham gia các sự kiện trong, ngoài tỉnh; khảo sát xây dựng một số mô hình du lịch cộng đồng trên nền tảng tiềm năng thế mạnh địa phương, tạo sản phẩm du lịch mới hấp dẫn; nâng cao chất lượng điểm đến thông qua nâng chuẩn, xếp hạng sao đối với cơ sở du lịch trên địa bàn.

Vĩnh Long đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch làng nghề trên nền “Di sản đương đại Mang Thít”. Ảnh: Phương Oanh.

Qua các cuộc khảo sát về phát triển du lịch tại Vĩnh Long, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH – TT& DL) cho rằng tiềm năng du lịch của Vĩnh Long còn rất lớn, chưa được khai thác. Vĩnh Long nên tìm ra những giá trị độc đáo của địa phương nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Những tiềm năng chưa khai thác của Vĩnh Long như Khu di sản đương đại Mang Thít, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt,… “Vĩnh Long cần kiến nghị Bộ VH-TT&DL cùng với tỉnh khai thác các giá trị này trở thành di tích quốc gia đặc biệt, di sản độc đáo đặc sắc, không đâu có được để thu hút khách đến Vĩnh Long. Đây cũng có thể trở thành một biểu tượng, nhận diện, thương hiệu của ngành du lịch Vĩnh Long”, ông Hà Văn Siêu đề xuất.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ và hoàn thiện, bên cạnh nguồn lực của tỉnh phải cần đến cơ chế, chính sách kêu gọi, vận động, hỗ trợ của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư cho lĩnh vực này. “Tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực khai thác tổng hợp các tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, với nhiều giải pháp, trong đó có xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh để thu hút đầu tư phát triển du lịch là giải pháp trọng tâm nhằm mời gọi nhà đầu tư vào các dự án du lịch của tỉnh. Đồng thời phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng các điểm, các khu quy hoạch phát triển du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.

Văn Vĩnh

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

Ngày 16/11, báo cáo với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy làm trưởng đoàn, đại diện đơn vị thi công Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (đoạn qua địa bàn Đà Nẵng) cho biết hiện đang bố trí khoảng 30 mũi thi công để đáp ứng tiến độ nhưng còn một số vướng mắc về mặt bằng, một số điểm người dân cản trở thi công; mưa nhiều, bụi mù, ùn tắc...

Bỏ học, lêu lổng, không có sự quản lý của gia đình, người thân và bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi đám bạn xấu, mạng xã hội độc hại, không ít thanh, thiếu niên đã tụ tập với nhau trở thành tội phạm đường phố. Với bản tính "chưa biết sợ", những đối tượng này manh động gây ra nhiều vụ án khiến người dân bất bình, bức xúc, lo lắng.

Theo kết luận mới đây của Thanh tra TP Hồ Chí Minh, 3 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Thực phẩm và Sản xuất Thương mại Sài Gòn 1, Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp 2 thuê 6 địa chỉ nhà, đất phát sinh nợ đọng tiền thuê nhà trong nhiều năm với tổng cộng hơn 20,4 tỷ đồng nhưng chậm thanh lý hợp đồng, chấm dứt việc cho thuê.

ĐT Việt Nam không tham dự FIFA Days tháng 11. V.League cũng là giải hiếm hoi được nghỉ khi AFF Cup diễn ra. Nhưng chính sự lạ đời đến nghịch lý ấy lại ủng hộ “Những chiến binh sao Vàng” hướng tới ngôi vô địch.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ việc đua xe trái phép do nhóm thanh, thiếu niên thực hiện. Không chỉ gây nguy hiểm cho chính người tham gia, hành vi này còn là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và sự bình yên của cộng đồng. 

Khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 18-20 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文