Giải "bài toán" xuất khẩu phụ thuộc FDI
Xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam trong năm 2022 đạt kết quả ấn tượng và năm 2023 nhiều kỳ vọng XK tiếp tục đà phát triển mạnh. Tuy nhiên, về lâu dài thì đây không phải là tín hiệu vui khi XK của Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá XK của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 371 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm trước. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 7,43 tỷ USD; giày dép các loại tăng 6,15 tỷ USD; hàng dệt may tăng 4,82 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,74 tỷ USD; thủy sản tăng 2,04 tỷ USD…
Cơ cấu hàng hóa XK đang từng bước được cải thiện theo chiều hướng giảm dần tỷ trọng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng cao,... Tuy nhiên, XK của khối DN FDI chiếm đến hơn 70%, DN trong nước XK chưa đến 30% tổng kim ngạch. TP Hồ Chí Minh vẫn đang là "đầu tàu" kinh tế của cả nước. Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội DN TP Thủ Đức nhìn nhận, TP Hồ Chí Minh luôn là điểm đến của những nhà XNK lớn trên thế giới. Thế nhưng, tỷ trọng XK của FDI chiếm đến 61%, còn lại 39% là của DN tư nhân, DN nhà nước. Trong năm 2022, XK của TP Hồ Chí Minh có đến 7 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm máy vi tính, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, phụ tùng,... nhưng trong đó XK chủ yếu cũng của DN FDI.
Kim ngạch XK chiếm tỷ trọng lớn của DN FDI là điểm sáng của nền kinh tế, tuy nhiên XK phụ thuộc quá nhiều vào FDI sẽ không tránh khỏi những tiềm ẩn rủi ro. Theo Bộ Công Thương, mục tiêu của Việt Nam khi thu hút đầu tư FDI là phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và dần thực hiện chuyển giao công nghệ, mô hình cùng kỹ năng quản trị DN. Thế nhưng, nhìn lại trong nhiều năm qua, sự liên kết của DN FDI với DN trong nước chưa nhiều. Ông Trần Việt An đánh giá, không thể phủ nhận sự phát triển từ công nghệ đến quản trị DN của DN FDI tại khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Nhưng tiếc là khi DN FDI rút đi, họ mang cả sản phẩm đi chứ không có sự kế thừa cho DN trong nước.
Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và việc mở cửa để thu hút đầu tư, Việt Nam đang được rất nhiều DN FDI lựa chọn. Hiện, các DN FDI đầu tư tại Việt Nam đều lớn về quy mô, công nghệ, tạo ra sản phẩm có hàm lượng cao... trong khi đó DN Việt Nam có đến hơn 90% là DN nhỏ và vừa, phần lớn các DN chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu mà chủ yếu là nơi gia công. Năm 2022 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng XK cả năm của dệt may tăng 14,7% và XK giày dép tăng tới 34,6% so với năm trước. Đây là những ngành luôn nằm trong "top" đầu có kim ngạch XK lớn, nhưng thực chất giá trị thu về không cao bởi gia công là chủ yếu. Ngành dệt may, giày dép chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, phần lớn phải NK. Như vậy, vấn đề đặt ra là song song với việc thu hút FDI có nguồn vốn hiệu quả, giá trị gia tăng cao thì cơ quan chức năng cũng cần có chính sách để hỗ trợ DN trong nước phát triển, xây dựng được những thương hiệu mạnh để tăng tỷ trọng kim ngạch trong cơ cấu XK.
Có thể thấy, nội lực của DN trong nước còn yếu, nguyên nhân cốt lõi là do thiếu ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để cung ứng kịp thời cho DN sản xuất. Hơn 90% DN trong nước là nhỏ và vừa nên gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề tài chính. Bà Lê Huyền Nga, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định, cách đây 15 năm, Đảng, Chính phủ cũng đã nhận thấy vai trò quan trọng của ngành CNHT nên đã có những định hướng và chính sách khuyến khích phát triển.
Hiện, có 6 ngành được hỗ trợ và ưu đãi gồm: Dệt may, da giày, điện tử, lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm hỗ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao. Các chính sách ưu đãi gồm: Thuế thu nhập DN, tín dụng, bảo vệ môi trường, thuê đất, thuế GTGT, thuế NK... đối với các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT. Đến nay, các chính sách này bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, số lượng và chất lượng DN CNHT tăng nhanh trong 5-7 năm gần đây. Hiện, có hơn 5.000 DN CNHT, trong đó 25-30% DN có tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các DN CNHT cũng đã có nhiều cải thiện rõ rệt, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, các yêu cầu đưa ra của các DN, tập đoàn đa quốc gia. Một số DN CNHT cũng đã sản xuất được sản phẩm có những chi tiết phức tạp, có hàm lượng công nghệ cao.
Để tiếp tục phát triển CNHT mạnh hơn nữa thời gian tới, bà Lê Huyền Nga cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ. Hiện, Bộ Công nghiệp và Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng một số chính sách, cơ chế mới trình Chính phủ xem xét và phê duyệt Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP. Trong đó, đề xuất chính sách cấp bù lãi suất cho DN CNHT mức lãi suất ưu đãi 3% đối với các DN có dự án đầu tư các sản phẩm CNHT trong danh mục ưu tiên phát triển.
Ở cấp địa phương, đề xuất hỗ trợ lãi suất tối thiểu 5% cho DN sản xuất sản phẩm CNHT. Đồng thời, đưa ra chính sách hỗ trợ liên quan đến vấn đề về quản trị sản xuất, áp dụng hệ thống mô hình nhà máy thông minh về chuyển đổi số cho các DN CNHT. "Chúng tôi tin rằng, với chính sách này đi vào cuộc sống thì DN CNHT được hưởng nhiều ưu đãi, có cơ hội để vay nguồn vốn chi phí rẻ hơn, chắc chắn giúp DN giảm được chi phí đầu tư ban đầu, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh", bà Nga nói.