Giải pháp nào để hàng Việt đứng vững tại thị trường nội địa?

08:45 12/05/2022

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2021 dù phải đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nhưng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa thì một trong những giải pháp cơ bản là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu.

Tăng cường kết nối doanh nghiệp - thị trường

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, năm 2021, toàn quốc đã có khoảng 33 địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường với số điểm bán hàng vượt trên 11.000 điểm. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã đưa hàng hóa trong nước vào hệ thống phân phối tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ trên toàn cầu. Đến nay, cả nước đã có 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành phố trên cả nước… Cụ thể, sản phẩm của các DN như Vinamilk, TH True Milk, Vissan, Ba Huân, Trung Nguyên, Đại Đồng Tiến, Bitis,… đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt và từng bước vươn tầm ra thế giới.

“Vui và đáng tự hào là những sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng cao đã vượt biên giới, đến được các thị trường khó tính”, bà Nga chia sẻ.

Kết nối cung - cầu đã giúp hàng ngàn sản phẩm Việt tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại.

Theo bà Nga, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến; hàng triệu phiên giao thương trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông sản; tổ chức chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội DN Việt Nam về thị trường xuất - nhập khẩu trực tuyến, trực tiếp cho trên 2.000 lượt cơ quan, DN và đạt được những kết quả rất khả quan.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tích cực hỗ trợ, kết nối các DN, hiệp hội DN với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và quốc tế để cùng hợp sức ứng phó dịch COVID-19, hạn chế tổn thất, duy trì vận hành của DN. Sở Công Thương và các sở, ngành ở các địa phương đã phối hợp tổ chức được hàng nghìn hội nghị kết nối cung - cầu, kết nối ngân hàng - DN; hỗ trợ DN phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường…

Cùng với đó, để hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian qua, nhiều DN đã xây dựng các các phương án linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm thuần Việt chất lượng, giá trị cao và trở thành lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng Việt.

Đơn cử như, Tập đoàn Dệt May Việt Nam dùng phụ liệu nội địa để sử dụng trong việc sản xuất bao bì với tỷ lệ 20%. Tập đoàn Bảo Việt sử dụng 90% các trang thiết bị văn phòng là các thương hiệu nội địa. Tổng Công ty Giấy Việt Nam tỷ lệ nội địa hóa vật tư, nguyên liệu đầu vào đạt 60%. Trong năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã quán triệt việc ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, đặc biệt trong công tác lập kế hoạch đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng (trừ một số thiết bị do yêu cầu đảm bảo tính đồng bộ với dây chuyền sản xuất hiện tại cũng như các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, chưa sản xuất được trong nước).

Nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ chi phí sản xuất

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực thì cuộc vận động vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; sức cạnh tranh của nhiều hàng hóa Việt Nam còn hạn chế…

Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những cam kết của EU về lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đem đến xung lực mới, tuy nhiên cũng đặt nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn, trong khi quy mô của các DN Việt Nam còn nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh, sức cạnh tranh không cao... Tình hình đó đòi hỏi các DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đoàn kết để phát triển thị trường trong nước, giữ niềm tin của người tiêu dùng.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho rằng, một trong những giải pháp cơ bản phát triển thị trường trong nước thời gian tới là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu. Cụ thể là kết nối DN sản xuất với DN phân phối để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, song song với việc hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, DN chế biến, DN logistics… cần đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác, hoạch định cho phát triển vùng, để không bị mất cân đối, không bị dư cung và khó khăn trong tiêu thụ. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu, có cơ chế chính sách để hỗ trợ đầu tư hạ tầng thương mại, xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, tập trung phát triển thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ. Từ đó, giúp DN hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm phục hồi kinh tế, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Đại diện sàn TMĐT Lazada cho biết, trên thực tế, việc tạo lập chuỗi kết nối cung - cầu thời gian qua đã được nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang… thực hiện rất hiệu quả. Thời gian tới, Lazada sẽ tiếp tục hợp tác tích cực cùng các cơ quan, ban ngành, địa phương và các hiệp hội nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN vừa và nhỏ chuyển đổi số và kinh doanh online thành công. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua các chương trình tôn vinh hàng Việt.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ DN, hợp tác xã và các hộ sản xuất, triển khai thực hiện truy xuất sản phẩm nông sản, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần iCheck Nguyễn Văn Chính cho biết, Công ty đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn quốc gia trong vòng hơn 5 năm. Với hệ thống này, DN có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống giám sát chặt chẽ. Nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ dễ dàng đạt điều kiện đầu vào các chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử và nâng cao giá trị nhờ chứng minh được chất lượng khác biệt.

Còn ông Đỗ Quang Hải, đại diện từ Sàn TMĐT Voso chia sẻ, Voso luôn hướng đến tiên phong trong việc kết nối tiêu thụ nông sản, kết nối giao thương giữa thành thị và nông thôn, nâng cao giá trị đặc sản. Trong đó, đặc biệt chú trọng phối hợp cùng các hộ sản xuất nông nghiệp, các tỉnh, thành đưa toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư). Để góp phần đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư, vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn công tác tuyên truyền số 49-HD/BTGTW. Theo đó, công tác tuyên truyền cần phải  sâu rộng tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông phong phú, hấp dẫn về các sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề, các hộ nông dân, hợp tác xã… có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tốt các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao gắn với tuyên truyền quảng bá văn hóa, du lịch.

Lưu Hiệp

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Từ năm 2023 đến khi bị bắt, những kẻ phạm tội đã câu kết với nhau thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội để tạo lập, thu thập và mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trái phép của hàng nghìn người trên địa bàn huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và các tỉnh thành trên cả nước, sau đó bán lại cho người khác, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Ngày 5/1, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 6 bánh heroin và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Năm 2025, các ngân hàng và các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang do quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa.

Ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 10 đối tượng trong một đường dây tội phạm. Các đối tượng không chỉ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà còn tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số lô đề với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文