Giải quyết bất cập trong logistics để hỗ trợ xuất nhập khẩu

06:38 13/07/2022

Việt Nam có vị trí địa chính trị kinh tế thuận lợi, là một trong những nước đi đầu khu vực tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương, đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, là một trong 20 quốc gia hàng đầu về thương mại quốc tế, đây là những lợi thế sẵn có, nền tảng quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ logistics.

Đặc biệt, đối với khu vực đang giữ vai trò “đầu tàu” của nền kinh tế, một trong những trọng điểm công nghiệp của đất nước đó là vùng Đông Nam Bộ. Đến nay, không chỉ dẫn đầu về phát triển công nghiệp, thu hút lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mà Đông Nam Bộ cũng là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), hỗ trợ tích cực cho các vùng kinh tế khác để tiêu thụ và xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa.

Mặc dù có lợi thế tiềm năng lớn để phát triển dịch vụ logistics, nhưng trên thực tế vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa phát triển tương xứng, đặc biệt là hệ thống cảng biển. Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, tốc độ phát triển giao thông ở vùng Đông Nam Bộ hiện rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giao thông quá tải. Tại TP Hồ Chí Minh, chưa có những đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố đến các nơi, thiếu những tuyến đường trục Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính chất đường trục chính để đáp ứng yêu cầu vận tải. Hệ thống cảng biển tốt nhưng đường kết nối xuống các cảng biển không đảm bảo.

Cảng Cát Lái luôn bị tắc nghẽn, nhất là trong giờ cao điểm. Cảng Cái Mép - Thị Vải có thể là một trong những cảng tốt nhất Việt Nam và khu vực, nhưng đường xuống cảng, nhất là cao tốc Biên Hòa, Vũng Tàu chưa triển khai, do đó tiềm năng thì rất lớn nhưng khai thác cảng thì hạn chế. Riêng giao thông liên vùng hiện cũng đang rất bất cập. 

Tăng chi phí logistics trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, trong thời gian qua các cơ quan chức năng cũng đã tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi trong hoạt động logistics. Một nghiên cứu tiền khả thi về chống ùn tắc và tạo thuận lợi trong hoạt động logistics tại cảng Cát Lái cũng đã được thực hiện bởi Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ.

Nghiên cứu này cũng đã xem xét một cách toàn diện các hoạt động của cảng trên diện tích 160ha nhằm đánh giá hiệu quả vận hành, các điểm nghẽn và vướng mắc trong quá trình tăng cường năng lực xếp dỡ của cảng. Qua kết quả nghiên cứu, các bộ, ngành, cộng đồng DN cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn cảng, tạo thuận lợi phát triển logistics tại cảng Cát Lái nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.

Liên quan đến việc thu phí hạ tầng cảng biển ở TP Hồ Chí Minh từ ngày 1/4 đã khiến DN phản ứng gay gắt vì mức phí thu có sự phân biệt đối xử giữa các DN ở TP Hồ Chí Minh và DN ở địa phương khác. Ngoài ra, việc thu phí cảng biển vào thời điểm này là không phù hợp vì hàng loạt chi phí như: nguyên liệu, xăng dầu, logistics… đều tăng mạnh.

Sau nhiều đợt lên tiếng của các Hiệp hội DN, cuối cùng Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển sau hơn 3 tháng triển khai. Theo đó, từ ngày 1/8, TP Hồ Chí Minh sẽ giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thuỷ và mức thu như nhau với hàng hóa XNK mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh hay ngoài thành phố. Điều này cũng đã tháo gỡ phần nào điểm nghẽn để hỗ trợ DN trong XNK.

Đánh giá chung về thực trạng dịch vụ logistics ở vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, bên cạnh những đạt được thì dịch vụ logistics của vùng vẫn còn những hạn chế. Đó là sự liên kết giữa các DN sản xuất, XNK, DN logistics hiệu quả còn thấp, chưa hình thành được các trung tâm logictics quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng. Ngoài ra, việc tắc nghẽn về giao thông, hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu sự hợp tác liên kết vùng, là những “nút thắt” trong phát triển logistics của vùng Đông Nam Bộ.

Vì vậy, để khắc phục hạn chế nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, việc hoàn thiện quy hoạch các tỉnh, thành phố và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 phải phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia.

Cần xác định rõ việc ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao và logistics là điều kiện quan trọng, xu thế tất yếu để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển hệ thống logistics, nhất là liên kết về hạ tầng giao thông, hệ thống lưu chuyển hàng hóa đến các trung tâm logistics và liên kết các DN sản xuất - XNK với DN logistics.

Tạo bước đột phá để xây dựng các tập đoàn mạnh về logistics, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, đồng thời khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã ký kết. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đồng bộ, đủ mạnh và khả thi, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Thúy Hà

Ngày 13/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng cho biết đã bắt giữ Đinh Hồng Hải (SN 1996, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; hiện ở tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) về hành vi giả danh cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời làm rõ một đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với quy mô lớn liên quan đến Hải và đồng bọn.

Tối 12/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với bà Nguyễn Ngọc Uyên Lan (SN 1995, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn) để điều tra về hành vi hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Ngày 13/4, Công an phường 2, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã hoàn tất các thủ tục để chị Phan Thị Thanh Ngọc, cán bộ Phòng NN&MT TP Bảo Lộc trả lại 3,5 tỷ đồng cho một người phụ nữ ở tỉnh Thái Bình do chuyển nhầm.

Các cuộc đối thoại cấp cao giữa Iran và Mỹ tại Oman hôm 12/4 (giờ địa phương) đã diễn ra "tích cực" và "mang tính xây dựng", với tuyên bố từ cả hai bên về triển vọng tiếp tục đối thoại vào tuần tới, Reuters đưa tin.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文