“Gian hàng Việt trực tuyến” thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19
Sau gần 1 năm chính thức vận hành, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã phát huy vai trò kết nối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, mở ra kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ, định vị giá trị thương hiệu doanh nghiệp (DN) Việt Nam và hàng Việt Nam.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS - Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” được Cục TMĐT&KTS đẩy mạnh từ cuối năm 2020 trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đến nay, Cục đã cùng với các sàn TMĐT, như: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Lazada tổ chức hàng chục chương trình kết nối đưa hàng hóa, nông sản lên “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT này. Qua đây, hàng nghìn lượt DN tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đưa hàng trăm sản phẩm hàng Việt được lựa chọn kỹ lưỡng tới người tiêu dùng.
Tiêu biểu là các sự kiện “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ dừa - Đặc sản Bến Tre”, “Gian hàng vải thiều Bắc Giang”… tổ chức hằng tuần, hằng tháng. Các sự kiện đã hỗ trợ tiêu thụ trên 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang, gần 200 tấn hành tím Sóc Trăng, hàng trăm tấn xoài và mận Sơn La, lê Tai Nung (Lào Cai), nho xanh Ninh Thuận, hay sầu riêng Ri6 Trà Vinh. . .
Tiếp nối những thành công đó, đầu tháng 8 này khi bắt đầu tới mùa nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng, sàn TMĐT Sendo tiếp tục cùng Cục TMĐT&KTS kết nối với các DN, hợp tác xã để mở hướng đưa sản phẩm Nhãn lồng Hương Chi - Hưng Yên lên bán trên “Gian hàng Việt trực tuyến”. Ông Nguyễn Văn Biết và các thành viên Hợp tác xã Nhãn lồng Quảng Châu (xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) cho biết, đây là lần đầu tiên nhãn lồng Hưng Yên được chào bán trên “Gian hàng Việt trực tuyến” của sàn thương mại điện tử Sendo. “Chúng tôi hy vọng việc này sẽ mở ra kênh phân phối hiệu quả về lâu dài cho sản phẩm của mình trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường”.
Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu khẳng định, việc triển khai “Gian hàng Việt trực tuyến” là hướng đi rất phù hợp cho các DN, nhờ đó có thể đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách tiện lợi, chi phí thấp, không chỉ ở trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Hy vọng các sàn TMĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà sản xuất không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà cả lâu dài sau này.
Từ thành công bước đầu, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số (Cục TMĐT&KTS) Bùi Huy Hoàng cho biết, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các sàn TMĐT xây dựng nhiều chương trình xúc tiến bán hàng trên “Gian hàng Việt trực tuyến” để hỗ trợ ngày càng nhiều DN, hợp tác xã, hộ sản xuất mở rộng kênh phân phối trên toàn quốc. Theo đó, thời gian tới “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ giới thiệu thêm nhiều mặt hàng, trong đó tập trung vào các loại nông sản, đặc sản của các địa phương đang vào vụ thu hoạch và các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)...
Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khắc phục những khó khăn, hạn chế về quản lý chất lượng hàng hóa, phương án lưu thông, vận chuyển, logistics, đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến trên thương mại điện tử…, đưa hàng Việt tới người tiêu dùng Việt ngày càng hiệu quả, bền vững.