Hà Nội: Người dân vẫn xếp hàng chờ đổ xăng

06:40 08/11/2022

Trong những ngày qua, tại nhiều cây xăng lượng người chờ đổ xăng khá đông, xếp hàng dài từ 15-30 phút mới tới lượt. Nhiều cây xăng chỉ đổ giới hạn cao nhất cho xe máy là 50.000 đồng; xe ô tô là 500.000 đồng. Sang ngày đầu tuần (7/11), tình trạng dòng người xếp hàng đổ xăng vẫn tiếp diễn, tuy nhiên thời gian tập trung vào cao điểm. Tới cuối giờ chiều nay, một số cây xăng đã treo biển tạm thời hết hàng.

Nhu cầu tăng đột biến?

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, đầu giờ sáng 7/11 tại một số cây xăng trên các tuyến phố trục đường chính ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai lượng người đến đổ xăng khá đông, nhiều người vẫn phải xếp hàng tới 20 phút mới đổ được xăng.

Chị Yến Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết, vào lúc 6h30 người đổ xăng tại cây xăng ở địa chỉ số 69 phố Lạc Trung (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) đã xếp hàng dài. Khi đổ xăng xe ôtô, chị muốn đổ 700.000 đồng nhưng người bán hàng chỉ bảo đổ 500.000 đồng thôi. Chị Thu Hiền (Cầu Giấy) cũng cho biết, trong sáng nay, một số cây xăng ở quận Cầu Giấy khá đông, nhưng nhân viên đứng bán khá ít dẫn tới lượng người chờ đổ xăng kéo dài ùn ứ tại khu vực cây xăng.

Từ 14-16h tại một số cây xăng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình duy nhất 1 cây xăng ở Hào Nam đóng cửa. Còn các cây xăng khác vẫn mở bán bình thường, lượng khách hàng đến mua xăng cũng tuỳ thuộc vào mỗi cây.

Cụ thể, tại một số cây xăng của hệ thống Petrolimex như cây xăng trên đường Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Thành Công… lượng người đến đổ cũng khá đông và không giới hạn số lượng xăng đổ mỗi lần. Ở cây xăng Trần Quang Khải và Trần Hưng Đạo vào khoảng 14h30 phút đã có xe bồn trở xăng cung ứng cho điểm bán. Tại cây xăng ở Thành Công, mặc dù người đổ xăng đứng chờ tràn ra cả đường nhưng có 3 nhân viên bơm xăng liên tục nên cũng không bị ùn tắc.

Hà Nội: Người dân vẫn xếp hàng chờ đổ xăng -0
Các cây xăng trong chiều 7/11 mở bán bình thường, có cây đông khách, người mua xăng chờ từ 5-15 phút mới tới lượt.

Tại cây xăng MIPEC trên đường Giải Phóng, lượng khách hàng đi xe máy xếp hàng dài để chờ đổ xăng. Để đến lượt khách hàng cũng phải chờ 10-15 phút mới tới lượt. Khách đổ bao nhiêu bán bấy nhiêu.

Tại cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân (Công ty CP Xăng dầu HFC); Cửa hàng xăng dầu Nguyễn Đình Chiểu (Công ty TNHH Thái Minh Petro); cửa hàng xăng dầu Khâm Thiên (Công ty CP Xăng dầu HFC); cửa hàng xăng dầu Láng Hạ lượng khách hàng đến đổ khá đông nhưng nhân viên đứng bán chỉ có 1-2 người bơm xăng. Tại cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân của Công ty CP xăng dầu HFC có 4 cột bơm xăng với mỗi cột 2 vòi bơm nhưng vào lúc 14h30 phút chỉ có 1 nhân viên bơm xăng bán cho khách hàng. Tại cửa hàng xăng dầu Bách Khoa của Công ty TNHH Thái Minh Petro cũng có 1 nhân viên bán hàng, xăng E5 Ron 92 hết hàng, chỉ còn xăng Ron 95. Cây xăng này chỉ bán cho xe máy tối đa 50.000 đồng.

Trao đổi với PV Báo CAND, anh Tạ Ngọc Chung, Cửa hàng xăng dầu Nam Triệu 2-125, Trần Phú, Hà Đông cho biết, đầu giờ sáng cửa hàng có thông báo hết xăng tạm thời. Đến 8h nhập hàng xăng xong đã mở bán bình thường, đến 15h thì hết. Dự kiến đến 6h sáng mai (8/11) xăng mới có và bán tiếp được. Theo anh Chung, cửa hàng nhập hàng về có tới đâu bán tới đó, không bán giới hạn 1 lần đổ, bán hết bể là hết. Những ngày gần đây nhiều cây xăng hết hàng nên lượng khách đổ về đây đổ xăng khá đông, dẫn tới xăng hết nhanh.

"Thời điểm này bán được càng nhiều càng lỗ, nhưng cửa hàng vẫn duy trì mức nhập như bình thường, cửa hàng có 10 nhân viên để duy trì và vận hành cửa hàng. Trong khi đó, nhập hàng đã khó nhưng nhập xe hàng nào phải thanh toán tiền xe đấy", anh Chung cho hay.

Một thương nhân phân phối xăng dầu cho biết, công ty nhập hàng từ nhiều đầu mối khác nhau nhưng thời gian này các đầu mối cũng khan hàng nên việc nhập được hàng khá vất vả. Xăng dầu nhập khó cộng với thời gian lấy hàng tại các kho chậm hơn trước nên 2-3 ngày mới nhập được hàng. Do xe hàng về không kịp và bị sai lệch kế hoạch giao hàng nên cửa hàng xăng dầu sẽ bị treo vòi trong khoảng một thời gian ngắn.

Về lý do nhu cầu xăng, dầu tăng đột biến những ngày gần đây, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nguyên nhân là do các tỉnh, thành lân cận cũng thiếu nguồn cung nên người dân ở một số địa phương khác đổ dồn về Hà Nội mua xăng, tạo ra sức ép lớn cho nhiều cửa hàng ở nội đô.

Ngoài việc phục vụ hơn 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu Hà Nội tiếp tục phục vụ thêm một số khách hàng ở các tỉnh, thành lân cận. Điều này gây áp lực rất lớn lên điều hành và chuẩn bị nguồn lực của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, từ tháng 8/2022 đến nay, nhu cầu xăng dầu ở Hà Nội tăng đột biến, trung bình 20%, tương đương 175.800 m3/tháng (một số cửa hàng tăng trên 30%). Với một số cửa hàng nhỏ, dung tích bể chứa có hạn, trong khi nhu cầu tăng đột biến vào một số thời điểm nhất định nên đã dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, phải chờ nhập. Để hạn chế tình trạng thiếu hàng, một số cửa hàng đã khống chế số lượng nhất định cho khách mua hàng.

Thương nhân phải duy trì  liên tục hàng cho thị trường

Tình trạng khan hiếm xăng dầu thời gian qua được ghi nhận qua phản ánh của các doanh nghiệp là lỗ quá nhiều nên tạm dừng không bán, không muốn nhập hàng tiếp dẫn đến khách hàng dồn đến một số cửa hàng khác gần đấy nên một số cửa hàng bị quá tải. Bởi, bể chứa của cửa hàng nhỏ, ở trong phố nên không kịp cấp hàng liên tục.

Đơn cử như Cửa hàng xăng dầu Hào Nam do lỗ quá đang xin đóng cửa. Bên cạnh đó, một số thương nhân không đủ tiền lấy hàng nên doanh nghiệp đầu mối cấp hàng cho cũng không đủ tiền lấy. Trong khi vay vốn từ ngân hàng khó vì phương án kinh doanh báo cáo là lỗ thì không vay được.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, trong số 493 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội, hiện chỉ có 20 cửa hàng đang được Sở này đồng ý cho phép đóng cửa để cải tạo, sửa chữa. 73% cửa hàng do các đơn vị đầu mối cung cấp, bảo đảm đầy đủ nguồn cung và liên tục phục vụ không hạn chế. Còn lại 27% số cửa hàng là nhập từ các thương nhân phân phối.

"Với 27% cửa hàng này, khi nguồn cung gặp khó khăn thì mong người dân cũng chia sẻ, và sang mua hàng ở các cửa hàng của doanh nghiệp đầu mối để được phục vụ đầy đủ", bà Lan nói. Để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu, Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án đảm bảo, duy trì nguồn cung trong hệ thống kinh doanh, chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Đồng thời, tăng cường lượng dự trữ tại các kho, bể chứa trong TP. Với các cửa hàng bán lẻ, yêu cầu không được có hành vi đầu cơ, găm hàng, đóng cửa không bán hàng không có lý do và chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương...

Trước thực tế trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân phải bán hàng bảo đảm duy trì liên tục hàng cho thị trường. Bộ Công Thương đã có công văn gửi tới các Bộ, ngành, đơn vị gồm: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa. Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, chính quyền các địa phương xem xét, có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát để xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu nhất là việc ngừng bán hàng ở cửa hàng xăng dầu.

"Bên cạnh đó, yêu cầu 2 nhà máy lọc dầu sản xuất hết công xuất và cấp hàng liên tục thì các nhà máy từ hôm qua (6/11) đã cấp hàng cả ngày", đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin.

Liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, trước đó, vào chiều 4/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Và cũng ngay trong chiều 4/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11 thì những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Lưu Hiệp

Từ Nghị quyết 68 đến hành động là một chặng đường. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và tận dụng cơ hội này như thế nào? TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PV Báo CAND về chủ đề này. 

Trong bối cảnh thu nhập giảm sút, kinh doanh khó khăn, giá điện tăng khiến người dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Giá điện tăng vào mùa nắng nóng, doanh nghiệp lo tăng chi phí sản xuất. Người dân lo chắt bóp chi tiêu để bù vào tiền điện.

Đã qua 2,5 năm, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nam Anh Đảo Ngọc bị “đứng hình”, gây thiệt hại lớn. Hợp đồng với đối tác tại Phú Quốc lên đến 955 tỷ đồng, nhưng chỉ mới thực hiện được khoảng 15% và đến nay không thể tiếp tục thực hiện. Ông Sự cho biết đã nhiều lần đề nghị Cục Thuế Kiên Giang cho xuất hóa đơn điện tử nhưng đều bị từ chối.

Sau khi Báo CAND có bài viết: “Núi rừng Vĩnh Ô lại rỉ máu vì “vàng tặc”, phản ánh tình trạng khai thác vàng trái phép ở rừng phòng hộ Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc. Ba chốt kiểm soát được thiết lập tại các tiểu khu 582, 583 (xã Vĩnh Ô) và 575H (xã Vĩnh Hà).

Khoảng 97% bệnh nhân nội trú được thanh toán viện phí online, 100% các phim chụp X-quang không còn phải in phim, thời gian khám bệnh trung bình giảm xuống 50%, chỉ mất 30-40 giây để đăng ký khám lần đầu, từ lần thứ hai chỉ mất 5-8 giây với hệ thống mạng ổn định, tra cứu đơn thuốc, lịch sử khám dễ dàng… Đây là bức tranh toàn cảnh về những bệnh viện (BV) đi đầu trong chuyển đổi số của Hà Nội.

Đối với lực lượng Công an xã những người “gần dân, sát dân” nhất trong hệ thống bảo vệ an ninh Tổ quốc, công nghệ đang mở ra một cánh cửa mới của đổi mới tư duy, nâng tầm nghiệp vụ, và hơn hết là cửa của một hành trình phụng sự nhân dân hiệu quả, sâu sát và nhân văn hơn bao giờ hết.

Sáng 11/5, Thượng tá Lê Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tiếp nhận chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi và thông tin trao đổi của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đã phối hợp với Tổ công tác của phòng CSHS Công an tỉnh, bắt giữ 4 đối tượng trên đường chạy trốn, sau khi có liên quan đến vụ cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Jason Pendant Quang Vinh, một cầu thủ Việt kiều Pháp tin rằng mấu chốt của một hành trình xuất ngoại thành công phải đến từ sự thích nghi. Chỉ khi nói được thứ tiếng bản địa, làm quen với văn hoá địa phương… mới có thể giúp cầu thủ tìm được chỗ đứng ở một phương trời xa lạ.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, một số nơi ở Bắc Trung Bộ và phía Tây Bắc Bộ. Ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc cấp 7, giật cấp 8.

Chiều 10/5, Công an TP Hà Nội cho biết, qua điều tra đã xác định Nguyễn Bình An, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội là nguời điều khiển ô tô vào thời điểm xảy ra vụ việc. Kiểm tra nhanh, chưa phát hiện Nguyễn Bình An có nồng độ cồn, chất ma túy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.