Hải quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn gian lận thuế từ việc khai báo hàng hóa trị giá thấp
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan quản lý các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh tăng cường các biện pháp quản lý.
Qua theo dõi, quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, cơ quan Hải quan phát hiện có hiện tượng chủ hàng hóa lợi dụng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh (CPN) nhằm trốn thuế. Để ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan quản lý các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh tăng cường các biện pháp quản lý.
Việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ.
Trường hợp, một lô hàng thuộc một vận đơn tổng (master bill) hoặc chứng từ tương đương mà có nhiều gói, kiện hàng hóa theo từng vận đơn con (house bill) hoặc tương đương của cùng một chủ hàng (cùng tên/số chứng minh thư hoặc số của giấy tờ có giá trị tương đương) mà tổng trị giá hàng hóa các gói hàng của cùng một chủ hàng đó có trị giả hải quan vượt quá 1.000.000 đồng thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ lô hàng, không được áp dụng quy định miễn thuế quy định tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP. Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa trị giá thấp gửi qua dịch vụ CPN nhằm ngăn chặn hiện tượng, khả năng lợi dụng quy định để gian lận thương mại.
Cụ thể, cơ quan Hải quan không thực hiện thủ tục hải quan đối với các tờ khai nhập khẩu trị giá thấp khai báo thông tin người nhận không đầy đủ, rõ ràng. Bên cạnh đó, các đơn vị hải quan phân công cán bộ công chức thường xuyên rà soát tờ khai hàng hóa trị giá thấp để phát hiện nhóm đối tượng thường xuyên nhận hàng có cùng địa chỉ, có cùng số điện thoại, có cùng chứng minh nhân dân (hoặc số của giấy tờ có giá trị tương đương) hoặc địa chỉ người nhận không rõ ràng và chuyển thông tin đến các đơn vị liên quan.
Trong quá trình rà soát đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân xác định là thường xuyên nhập khẩu hàng hóa qua dịch vụ CPN, nếu xác định hàng hóa là quà biếu, tặng hoặc hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT) hoặc hàng hóa mua bán thông thường thì đề nghị người khai hải quan cung cấp các chứng từ có liên quan: Đơn hàng đối với các giao dịch qua TMĐT; chứng từ thể hiện việc cho biếu, tặng đối với hàng quà biếu, tặng; hóa đơn thương mại đối với việc mua bán hàng hóa thông thường.
Trường hợp người khai hải quan không cung cấp được các chứng từ chứng minh hoạt động mua bán, giao dịch thì không thực hiện thủ tục hải quan. Đồng thời, các đơn vị tăng cường kiểm tra việc xác định trị giá hải quan đối với các trường hợp có dấu hiệu chia tách hàng hóa thành nhiều gói kiện nhỏ để phù hợp với trị giá được miễn thuế theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với các kho do doanh nghiệp (DN) CPN thuê tại các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, CPN đang hoạt động nếu không duy trì đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát của Cơ quan Hải quan, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để thu hồi mã kho.
Đối với các DN CPN, trong trường hợp thay mặt chủ hàng khai hải quan hoặc hướng dẫn người gửi hàng khai, Tổng cục Hải quan yêu cầu phải xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ CPN để chia nhóm hàng hóa theo đúng hướng dẫn nêu trên; khai đầy đủ các thông tin người nhận trên tờ khai nhập khẩu trị giá thấp.
Các DN CPN, cung cấp thông tin cho đại lý của DN CPN ở nước ngoài, các sàn TMĐT ở nước ngoài về chính sách thuế, về danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, ngừng/tạm ngừng nhập khẩu và không chấp nhận vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục này.
Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ từ nước xuất khẩu thông qua việc soi chiếu khi nhận hàng để gửi thì thông báo và chia sẻ dữ liệu hình ảnh soi chiếu cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa để có biện pháp kiểm tra, kiểm soát khi hàng về. Đồng thời phối hợp với cơ quan Hải quan trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát trọng điểm đối với hiện tượng chia nhỏ lô hàng nhằm trốn thuế, miễn chính sách, gian lận thương mại, vận chuyển hàng trái phép.
Thông qua công tác trực ban, giám sát trực tuyến, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo xử lý hàng trăm thông tin, phạt và truy thu thuế hơn 44,3 tỷ đồng trong tháng 7 vừa qua. Cùng với đó, các Cục Hải quan địa phương đã chỉ đạo 110 tin báo, trong đó có 62 tin báo mới.
Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện qua công tác trực ban như: khai báo trị giá thấp nhằm giảm số thuế phải nộp, thực hiện không đúng quy định của Nhà nước về hải quan, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện đối với hàng quản lý chuyên ngành, hàng hóa nhập khẩu khai báo chung một mức giá cho nhiều dòng hàng, khai sai mã số thuế suất hàng hóa xuất khẩu nhằm giảm số thuế phải nộp; vi phạm sở hữu trí tuệ…