Hơn 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư dự kiến rót vào “thủ phủ sầu riêng”
Ngày 2/9, UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển nông nghiệp bền vững và kêu gọi thu hút đầu tư huyện Krông Pắk năm 2022. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi “Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắk lần thứ I, năm 2022”.
Tại hội nghị, ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, hiện địa phương có khoảng 35.000 ha cây trồng hàng năm và gần 29.000 ha cây trồng lâu năm, với nhiều loại cây chủ lực như: cà phê, sầu riêng, chuối, hồ tiêu… Riêng cây sầu riêng hiện có gần 4.000 ha, chủ yếu được trồng xen canh trong vườn cà phê, sản lượng ước đạt khoảng 45.000 tấn/năm, mang lại thu nhập cao cho người nông dân trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, Đắk Lắk đang có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng. Việc chọn huyện Krông Pắk là địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn nhất tỉnh làm điểm đột phá là hướng đi đúng đắn.
Tiến sĩ Trần Văn Hâu, giảng viên Khoa nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, hiện nay có thể nói cây sầu riêng được xem là “vua” của các loại trái cây vì hiệu quả kinh tế rất cao. So với thị trường Malaysia, giá sầu riêng tại Việt Nam chúng ta còn quá rẻ nhưng so với nhiều cây trồng khác thì nông dân đã có thu nhập tốt.
“Cây sầu riêng đã cho người dân có nguồn thu nhập tốt nên dự báo trong thời gian tới, diện tích sẽ ngày càng tăng. Để phát triển bền vững, địa phương cần tập trung vào tuyển chọn nhiều loại giống mới, kỹ thuật canh tác để đạt hiệu quả cao nhất”, ông Hâu đề xuất.
Trong khi đó, phân tích về tiềm năng của thị trường sầu riêng, nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc cho biết có rất nhiều cơ hội cho Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Ông Trần Thư Nam, đại diện Công ty cổ phần Wanbang Việt Nam (Tập đoàn quốc tế Wanbang) cho biết, những năm gần đây, hợp tác nông sản Việt - Trung không ngừng được nâng cao.
Sầu riêng Việt Nam hiện đang chiếm thị phần khá lớn trong thị trường tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc. “Trong thời gian tới, việc sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch là xu hướng phát triển rất tốt, góp phần lớn trong việc quảng bá nhãn hiệu và nâng cao giá trị sầu riêng Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc nói riêng, quốc tế nói chung”, ông Nam chia sẻ.
Hiện người tiêu dùng Trung Quốc chưa biết nhiều về chất lượng của sầu riêng Việt Nam vì trước đây, sầu riêng Việt Nam chưa từng được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc.
“Thông qua việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, tôi tin tưởng rằng nhãn hiệu, chất lượng sầu riêng Việt Nam sẽ không những không kém mà còn tốt hơn so với sầu riêng của Thái Lan, Malaisia… bởi hai nước chúng ta khoảng cách gần hơn, khí hậu tương đồng hơn”, ông Nam nói.
Bên lề hội nghị, ông Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những năm qua, thực sự cây sầu riêng đã đem đến nguồn thu nhập khá cho nông dân, giúp nhiều nông hộ giàu lên. Diện tích sầu riêng đã tăng từng ngày. Toàn tỉnh đã có khoảng 15.000ha, trong đó huyện Krông Pắk là nơi trồng tập trung nhiều nhất. Đó là lý do lễ hội sầu riêng được tổ chức tại “thủ phủ” này.
Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk cũng đã trao bản ghi nhớ cho 24 nhà đầu tư đăng ký 24 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 11.000 tỷ đồng.