Kiểm soát bán hàng qua mạng xã hội, tránh thất thu thuế
Trong năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 26%/năm, đóng góp khoảng 8% tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng 37% với doanh thu bán khoảng 4,7 tỷ USD (chiếm 23% cả nước) và doanh thu mua 6,2 tỷ USD (chiếm 29% cả nước), đưa doanh số mua trên TMĐT ở TP Hồ Chí Minh cao nhất cả nước và doanh số bán đứng thứ hai cả nước.
Ông Nguyễn Thanh Hòa – Trưởng phòng Thông tin điện tử Sở Thông tin &Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam hiện chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng Philippines. Cả nước có 77 triệu tài khoản Internet, mỗi tuần một người sử dụng ít nhất trên 22 ứng dụng ĐTDĐ, thương mại trực tuyến dựa trên chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Quách Nhi - Giám đốc Kinh doanh sàn TMĐT Tiki cho rằng, thị trường TMĐT tại Việt Nam đang trỗi dậy như một hiện tượng là nền tảng tiktok shop, livetream bán hàng. Chỉ mới gia nhập thị trường TMĐT Việt Nam khoảng 18 tháng nay, nhưng kênh này đã chiếm 8-10% tổng doanh thu TMĐT và đang giữ vị trí đầu bảng trong doanh thu. Trong năm 2024, việc bán hàng trên mạng xã hội video, livestream sẽ tiếp tục tăng trưởng rất nhanh, rất mạnh, đồng thời cũng sẽ làm thay đổi đáng kể hành vi mua hàng của người tiêu dùng (NTD). Xu hướng rõ rệt nhất trong năm 2024 sẽ là trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào TMĐT, những nhân vật ảo có thể livetream bán hàng 24/24 giờ. Còn đối với NTD, trước đây người mua hàng qua TMĐT từ độ tuổi 20-35 thì nay sẽ mở rộng từ 15-55 tuổi, đặc biệt việc bán hàng trên video ngắn tiếp cận với khách hàng trẻ nhất, chủ yếu dưới 20 tuổi.
Yêu cầu của NTD liên quan đến chất lượng hàng hóa, chất lượng dịch vụ cũng tăng dần. Việc giao hàng siêu tốc, giao hàng trong ngày hay giao hàng qua ngày trở nên rất phổ biến, thậm chí giao hàng quốc tế cũng chỉ trong vòng 2-3 ngày. Đáng chú ý, theo dữ liệu của Metric thì chỉ có 7% doanh số bán hàng trên Shopee (nền tảng có doanh thu bán hàng lớn nhất) là ở các tỉnh, thành, ngoài TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều đó cho thấy, TMĐT có nguy cơ bỏ lại rất nhiều DN nhỏ và vừa, các hợp tác xã, các DN nông thôn yếu thế trong “cuộc chơi” này, bởi sự phát triển quá nhanh của TMĐT.
để tiếp cận xu hướng đó thì thị trường TMĐT cần phải giải quyết ngay những trở ngại, khó khăn còn tồn tại. Đó là tình trạng các đối tượng mạo danh các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, Tiki... để bán hàng khuyến mãi lớn, hoặc tổ chức chương trình tặng quà để “tri ân” khách hàng. Đã có rất nhiều NTD tin tưởng và bị lừa số tiền lớn. NTD có độ tuổi càng cao thì càng dễ trở thành đối tượng của việc lừa đảo này. Bên cạnh đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Trong năm 2023, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 77 vụ vi phạm TMĐT, phạt hơn 1,93 tỷ đồng và tạm giữ hơn 16.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Hải Đông, kinh doanh mặt hàng thực phẩm trên sàn TMĐT Shopee, thì không có sự công bằng giữa các DN bán hàng trong nước và hàng TMĐT xuyên biên giới, những người bán hàng cá nhân. Bởi, khi DN bán một món hàng trên sàn TMĐT cho NTD, thì sau đó DN bán hàng và sàn TMĐT xuất hóa đơn cho người mua để thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong khi đó, người bán qua mạng xã hội thì chốt hàng qua điện thoại, tin nhắn, chuyển khoản qua tài khoản cá nhân... không thực hiện nghĩa vụ thuế như các DN bán trên sàn. Kể cả việc bán hàng xuyên biên giới cũng có nhiều nghi vấn? Hàng mua từ nước ngoài, nhưng từ lúc NTD đặt hàng đến khi nhận hàng ở TP Hồ Chí Minh, thời gian chỉ có 2-3 ngày, với thời gian nhanh như vậy liệu khâu thông quan, kiểm soát hàng hóa... có được đảm bảo?
Theo ông Nguyễn Quách Nhi, đối với hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, sàn TMĐT phải có trách nhiệm kiểm soát hàng hóa đưa lên bán trên sàn, không thể đổ hết trách nhiệm cho DN bán hàng vì nại ra lý do sàn TMĐT chỉ là đơn vị trung gian. Ngoài ra, việc bán hàng thông qua mạng xã hội chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 40% tổng doanh thu TMĐT. Phần lớn, những nhà bán hàng qua mạng xã hội không đăng ký pháp nhân, bán tư cách cá nhân, nên rất khó khăn trong vấn đề quản lý. Ngành công thương cần xây dựng cơ sở dữ liệu về TMĐT trên địa bàn để phục vụ quản lý Nhà nước, thực hiện sát hơn về nguồn thu thuế cho quản lý Nhà nước.