Kiểm soát chặt biên giới, tập trung chống buôn lậu có trọng điểm

07:59 07/01/2022

Thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, trong giai đoạn này nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước tăng cao, đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đặc biệt, các đối tượng buôn lậu với nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Vận chuyển trái phép các mặt hàng qua biên giới diễn ra phức tạp

Ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, thời điểm này, các mặt hàng trọng điểm, có nguy cơ vi phạm cao là hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như: ma túy, xăng dầu, vật liệu nổ, pháo các loại, động vật hoang dã...; hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Đặc biệt là hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết: thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm, dược liệu, điện thoại di động, hàng may mặc...

Tập trung vào các tuyến địa bàn trọng điểm ở biên giới đường bộ như: Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, An Giang, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp… Tuyến đường biển, cảng sông quốc tế như khu vực cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng biển Đông Bắc...

Hải quan An Giang cùng tổ công tác liên ngành bắt giữ hàng nhập lậu.

Trên tuyến biên giới đất liền, tại các tỉnh biên giới phía Tây Nam, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng qua biên giới vẫn diễn ra phức tạp và có xu hướng tăng mặc dù có sự kiểm soát chặt chẽ bởi các lực lượng chức năng. Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép hàng giữa các tỉnh có biên giới giáp ranh hoạt động tinh vi và phức tạp, như: Dùng ống nước bỏ thuốc lá ngoại vào, bịt kín 2 đầu, cho xuống sông kéo về phía Việt Nam; xé lẻ hàng cất giấu trong mặt hàng thiết yếu sau đó thuê vận chuyển bằng phương tiện xe tải nhỏ hoặc xe gắn máy; còn xảy ra tình trạng một số lượng hàng hóa tạm nhập tái xuất, quá cảnh thực tế đã làm thủ tục và xuất qua biên giới nhưng sau đó thẩm lậu ngược trở lại Việt Nam.

Theo Cục Hải quan An Giang, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong năm 2021 giảm so với năm 2020, do có các tổ kiểm soát liên ngành của tỉnh được thành lập và các chốt kiểm soát của Biên phòng cùng các lực lượng địa phương đóng ở sát đường biên để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, đồng thời thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tuy nhiên, tại một số nơi, các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách lợi dụng đêm tối vận chuyển hàng lậu qua biên giới.

Ma tuý vẫn "nóng"

Trong khi đó, đối với tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa được dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạp, đối tượng thực hiện phương thức thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi. Đặc biệt nổi lên thủ đoạn cất giấu ma tuý tổng hợp, cần sa, thảo dược có chứa chất gây nghiện trong hộp bánh kẹo, quần áo ký gửi. Địa bàn trọng điểm là sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Bưu điện Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; địa điểm chuyển phát nhanh...

Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, qua công tác thu thập thông tin trong và ngoài nước liên tục từ năm 2020 đến nay, kết hợp với phân loại hàng hóa, tuyến đường trọng điểm, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã xác lập các chuyên án, kế hoạch kiểm soát trọng điểm, đã xác định các đối tượng thuộc đường dây ma túy xuyên quốc gia tại Đức, Pháp, Mỹ thực hiện vận chuyển ma túy, chất gây nghiện số lượng lớn về Việt Nam và các đối tượng trong nước xuất khẩu trái phép ma túy sang Australia.

Kiểm tra chi tiết các bưu kiện, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phát hiện hơn 10kg ma túy tổng hợp và 18kg cần sa, giấu trong 20 lô hàng quà biếu phi mậu dịch nhập khẩu; 5 kiện hàng xuất khẩu, cất giấu gần 10kg heroin và khoảng 6kg nghi cocaine) gửi thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Thủ đoạn cất giấu ma túy rất tinh vi trong các vật dụng gia đình, các khối sáp thơm, máy hát đĩa, hoặc ép vào các thành, vách thùng bao bì carton, còn cần sa được ngụy trang trong các lon ngũ cốc, sữa, bánh… được hàn kín lại, bằng mắt thường không thể phân biệt được.

Đây là chiến công xuất sắc của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh trong những ngày đầu năm mới 2022. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ 88 vụ việc liên quan đến vận chuyển trái phép hàng cấm là ma túy, thu giữ gần 200kg ma túy các loại.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, nhất là dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục Điều tra chống buôn lậu và lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của lãnh đạo các cấp. Công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm; mặt hàng trọng điểm, rủi ro cao... sẽ được tăng cường song song với việc chú trọng công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát để chủ động phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời những vụ việc lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để buôn lậu các mặt hàng tân dược, thiết bị y tế, sinh phẩm y tế và các loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

Lưu Hiệp

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文