Kịp thời ngăn chặn thực phẩm bẩn vào nhà hàng, quán ăn dịp cuối năm
Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm tăng cao. Lợi dụng điều này, các đối tượng đã tìm đủ mọi cách để mua bán, vận chuyển, tuồn sản phẩm giết mổ động vật, thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào thị trường, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Trước thực trạng này, cùng với Công an các địa phương trên cả nước, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm bẩn. Tại địa bàn các huyện, thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt tại trung tâm TP Huế có nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống và tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn, trung tâm tổ chức tiệc cưới… nên vào dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Đây cũng là thời điểm các đối tượng lợi dụng để mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ để bán ra thị trường.
Mới đây, Hồ Thị Nhiên (SN 1993, trú tại thôn Xuân Lai, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã nhập số lượng lớn thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ các nước Nga, Ấn Độ nhưng không có hóa đơn chứng từ đưa về trữ tại kho hàng “thịt heo bò xuất nhập khẩu” ở thôn Xuân Lai, xã Lộc An. Số thực phẩm này được Nhiên dùng để bán lẻ cho khách hàng là các cơ sở quán ăn, nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra vào sáng 20/12, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện tại kho thực phẩm của đối tượng Nhiên lưu trữ hơn 1 tấn thực phẩm gồm trứng gà non, giò heo, ba chỉ rút xương, xương cùi bò, bắp bò, bắp trâu, lõi bò… có dấu hiệu vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra, Nhiên không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không đảm bảo VSATTP và chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan về kinh doanh loại hàng hóa này nên cơ quan Công an đã lập biên bản để xử lý vi phạm.
Trước đó, kiểm tra đột xuất một cửa hàng thực phẩm trên đường Tôn Quang Phiệt, phường An Đông (TP Huế), Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh hơn 400kg thịt các loại heo, bò, gà… Các sản phẩm được gói sẵn trong các túi nilon nhưng không có nhãn mác hàng hóa hoặc có nhãn ghi tên sản phẩm nhưng không có địa chỉ cơ sở sản xuất. Ngay sau đó, cơ quan Công an đã tiến hành tạm giữ, niêm phong số hàng hóa vi phạm này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán, tàng trữ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Công an các huyện, thị xã tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ra quân, tăng cường lực lượng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, quán ăn, quán nhậu. Lực lượng Công an các đơn vị còn bố trí các tổ công tác CSGT, Cảnh sát kinh tế kiểm tra xe container, xe ôtô tải vận chuyển hàng hóa đi qua địa bàn. Qua đó đã phát hiện, ngăn chặn các phương tiện vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Như cách đây không lâu, tổ công tác thuộc Công an huyện Phong Điền và Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn. Qua đó phát hiện xe đầu kéo BKS 51D-467.22 kéo theo rơ moóc BKS 51R-077.98 do tài xế Cao Thanh Tài (SN 1990, trú tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) điều khiển có dấu hiệu vi phạm Luật Giao thông đường bộ nên ra tín hiệu dừng xe kiểm tra. Qua kiểm tra, phát hiện trên rơ moóc chở 25 thùng xốp đựng trứng gà non, 430 thùng xốp đựng chân gà, 5 thùng chả cốm, 17 thùng xúc xích các loại, 105 thùng thịt bò, 30 thùng thịt heo, 80 thùng chân cánh gà. Số hàng hóa này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên tổ công tác lập biên bản vi phạm, tạm giữ số hàng hóa để xử lý.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực phẩm bẩn vẫn xuất hiện trên thị trường là do sự ham rẻ của người tiêu dùng đã vô tình “tiếp tay” cho thực phẩm bẩn tồn tại. Bên cạnh đó, kênh phân phối hiện nay gây cản trở việc tiếp cận của người tiêu dùng với thực phẩm sạch...
Nhằm tăng cường đảm bảo VSATTP trên địa bàn vào dịp cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa ban hành công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP Huế và các Sở ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật nâng cao ý thức, trách nhiệm. Thực hành tốt quy trình giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP. Yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Đồng thời thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý giết mổ động vật, vi phạm ATTP theo đúng quy định.