Lãi suất huy động “phá đáy”, lãi suất cho vay khi nào mới giảm tương ứng?
1,7%/năm kỳ hạn một tháng được ghi nhận là mức lãi suất huy động thấp kỷ lục trên thị trường ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay có giảm tướng ứng mới là câu chuyện cần bàn…
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% được giao cho các ngân hàng năm 2024, tương đương với 2 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phát triển. Song, theo phân tích của các chuyên gia, thì việc nới room tín dụng cần phải đi đôi với việc đơn giản thủ tục, hạ lãi suất thì DN mới có thể tiếp cận được vốn, chưa kể phải triển khai đồng loạt các giải pháp thúc đẩy toàn nền kinh tế phát triển thì DN mới hấp thụ được vốn. Trong đó, câu chuyện hạ lãi suất luôn được các DN quan tâm, vì trong năm 2023, đây vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ách tắc nguồn vốn tín dụng.
Thực tế, trong bối cảnh tín dụng khó tăng trưởng, để cạnh tranh thu hút khách hàng vay vốn, nhất là với khoản vốn tiêu dùng tín chấp, nhân viên tín dụng nhiều nhà băng đã quảng bá mức lãi suất ưu đãi khá thấp, nhưng khi tiếp cận thực tế thì lãi vay thực lên gấp đôi.
Chị Ngô Hoa, kế toán một công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cho biết khi tiếp cận vốn tín dụng, chị vẫn phải vay với lãi suất 8% cho các khoản vay có tài sản đảm bảo, còn trong trường hợp vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo), lãi suất khoảng 13 - 15%/năm. “Lãi suất cho vay dù đã có hạ, song so với sức chịu đựng của DN trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, thì vẫn còn quá tầm với. Các lĩnh vực ưu tiên thì dễ thở, chứ với nhóm DN đại trà như chúng tôi, chí phí lãi vay vẫn ăn hết lợi nhuận, thậm chí, lợi nhuận còn không đủ để trả lãi vay”, chị Hoa chia sẻ.
Cũng cho rằng lãi vay vẫn là bài toán “đau đầu” DN, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, TGĐ Nagakawa cho biết là một DN tư nhân đa ngành, chi phí tài chính của công ty chiếm 3-4%, trong đó tới 70% là chi phí vốn vay. Với đòn bẩy tài chính lớn như thế, DN cho biết thời gian qua, lãi suất dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao, chưa kể tài sản đảm bảo gây khó cho DN, nên mong muốn được tiếp cận lãi suất thấp hơn nữa, đồng thời đề nghị ngành ngân hàng cân đối giảm tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay.
Có cùng đề xuất, ông Nguyễn Văn Cửu, PGĐ Công ty TNHH MTV 2/9 Đắk Lắk cũng cho biết với doanh số vay lên tới 5.300 tỷ đồng như công ty của ông, thì chỉ cần mức lãi suất cao hơn 1% thôi, chi phí của DN cũng sẽ “đội” lên rất lớn, vì vậy, DN mong muốn được các ngân hàng giảm lãi suất hơn nữa để hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn hiện nay. Tương tự, Công ty TNHH Lộc Vân (Đồng Tháp) đề xuất ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay để mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh. "Mặc dù lãi vay có giảm nhưng vẫn cao hơn mức 5,5 - 6% của năm 2021. Trong tình hình khó khăn hiện nay, việc tiết giảm chi phí lãi suất sẽ giúp DN hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường", đại diện DN Lộc Vân chia sẻ.
Trước những kiến nghị này của DN, đại diện NHNN cho biết về mặt kỹ thuật, sở dĩ có tình trạng lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động là do 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, 20% đến từ trung và dài hạn, trong khi trên 50% dư nợ tín dụng là cho vay trung và dài hạn. “Các ngân hàng thương mại cho vay trung và dài hạn thường dựa vào lãi suất huy động trung và dài hạn 12 tháng hoặc 20 tháng cộng với biên độ, dẫn đến lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động”, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) phân tích.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng trong năm 2024, có nhiều cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay vì hiện nay, lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại hiện chỉ ở mức 0,2 - 0,5%/năm - là điều kiện rất tốt để các tổ chức tín dụng có dư địa cho vay với lãi suất thấp. Lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2%/năm so với thời điểm cuối năm 2022. Do đó, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng thương mại ở thời điểm hiện tại đang thấp hơn khá xa so với trước đại dịch COVID-19.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm trong 11 tháng đầu năm 2023 là lãi suất cho vay ở một số ngân hàng còn khá cao. Thế nên, khi trao đổi trực tiếp với DN tại hội nghị kết nối ngân hàng – DN để tháo gỡ khó khăn về vốn, NHNN cho biết đang nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay, nhằm tạo điều kiện cho các DN, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay. Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, dù lãi suất cho vay đã hạ, nhưng chắc chắn khi chi phí đầu vào giảm mạnh, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024.