Lao động bỏ trốn và những hệ lụy
Thời gian qua, các bộ, ngành liên quan và cơ quan chức năng nhiều địa phương đã nỗ lực làm việc với đối tác Hàn Quốc để đưa đưa lao động sang nước bạn làm việc. Điều đáng nói, nhiều lao động khi sang đến nơi đã phá bỏ hợp đồng, tìm cách bỏ trốn ra ngoài làm việc.
Vì vậy, mới đây phía Hàn Quốc đã ngừng nhập cảnh lao động mặc dù lao động đã được học tiếng, đào tạo các kỹ năng tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc. Về thực tế tại các địa bàn có lao động bỏ trốn cần rất nhiều cảnh báo để người lao động tránh được rủi ro, cũng như đừng để tái diễn cảnh "quýt làm cam chịu".
"Quýt làm cam chịu"
Ngày 21/9, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tìm hướng giải quyết việc 55 người lao động (NLĐ) vừa được tuyển dụng, chuẩn bị lên đường sang Hàn Quốc lao động thời vụ nông nghiệp đợt 2, nhưng sát ngày xuất cảnh thì bị phía bạn từ chối. Nguyên nhân NLĐ bị Hàn Quốc từ chối cho nhập cảnh là bởi hàng chục lao động được tuyển trong đợt 1 đã bỏ trốn.
Sau Tết Nguyên đán 2022, khi dịch COVID-19 đã lắng, cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường mới, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã cố gắng kết nối, làm việc với chính quyền thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc để tìm phương án tạo việc làm cho hàng trăm lao động khó khăn trên địa bàn. Việc hợp tác về lao động với phía bạn mở ra cơ hội giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sau khi phía Hàn Quốc đồng ý, tỉnh Quảng Bình đã giao các sở ngành liên quan chọn lựa, đào tạo tiếng và các kỹ năng về lao động, sinh hoạt cho người lao động. Và giữa tháng 4/2022, hơn 40 lao động của Quảng Bình lên đường qua Hàn Quốc làm việc, công việc chính của họ là thu hoạch, trồng trọt nông sản…
Theo hợp đồng cam kết, những lao động trên khi sang Hàn Quốc được trả lương với mức thu nhập 40 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết lao động được tuyển chọn là người thuộc diện hộ nghèo, có cuộc sống khó khăn nên khi tuyển dụng, cả chính quyền địa phương và phía nhà tuyển dụng đều nghĩ việc tạo việc làm, có thu nhập tương đối cao như vậy sẽ giúp người lao động yêu công việc được giao và có cơ hội thoát nghèo.
Tuy nhiên, vừa mới chân ướt chân ráo qua Hàn Quốc làm việc, nhiều lao động đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc, để ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Ngay sau khi phát hiện 10 lao động bỏ trốn, chính quyền ở thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc đã báo với tỉnh Quảng Bình, đồng thời vẫn có văn bản đề nghị Quảng Bình hỗ trợ tuyển dụng lao động đợt 2 với số lượng 60 người.
Ngay sau khi có văn bản đề nghị từ phía bạn, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tuyển chọn được 55 lao động để đào tạo, chuẩn bị đưa qua Hàn Quốc làm việc đợt 2 như thoả thuận. Theo dự kiến ngày 6/9/2022, số lao động này sẽ nhập cảnh vào Hàn Quốc. Điều đáng nói, khi số lao động đợt 2 được tuyển chọn, đào tạo xong chuẩn bị xuất cảnh thì phía Hàn Quốc phát hiện số lao động tuyển dụng trong đợt 1 bỏ trốn ngày một nhiều (34/41 lao động) nên phía bạn đã dừng xuất cảnh số lao động đợt 2.
Rủi ro và những hệ lụy
Theo lãnh đạo sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, việc 34/41 lao động phá bỏ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc đã gây ra rất nhiều hệ lụy, bên cạnh làm giảm uy tín của đối tác (phía Việt Nam) về tuyển chọn, tuyển dụng lao động còn làm mất cơ hội đi làm việc ở Hàn Quốc của nhiều lao động khác. Ngay sau khi nhận được tin phía chính quyền thành phố Yeongju chính thức gửi thông báo không thể làm các thủ tục nhập cảnh cho NLĐ đợt 2, lãnh đạo các sở ban, ngành liên quan ở Quảng Bình cũng như NLĐ thật sự thất vọng về số lao động đã bỏ trốn.
Được biết, để tuyển chọn, đào tạo được 55 lao động cho phía đối tác Hàn Quốc, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tiếp đón, phỏng vấn, tuyển chọn, thuê giáo viên giảng dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng, kỹ năng nghề nông nghiệp… cho NLĐ với kinh phí lên đến cả trăm triệu đồng. Riêng NLĐ cũng phải chi trả hơn 12 triệu đồng/người nhưng nay họ phải dừng xuất cảnh vì do số lao động đợt 1 bỏ trốn. Để tránh thiệt hại cho số lao động đã được tuyển chọn nhưng phải dừng xuất khẩu, hiện tỉnh Quảng Bình đang xem xét việc hỗ trợ lại một phần những khoản kinh phí mà NLĐ đã phải bỏ ra trong quá trình học ngoại ngữ, học định hướng… đồng thời ưu tiên giới thiệu việc làm trong nước cho NLĐ.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế cho bài viết, chúng tôi được biết, việc lao động bỏ trốn theo hợp đồng, ra ngoài lao động bất hợp pháp sẽ gặp rất nhiều rủi ro như: Họ sẽ trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị cảnh sát nước sở tại bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện; việc làm và thu nhập không bảo đảm, chế độ bảo hiểm mất, rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động và không được pháp luật nước sở tại bảo hộ. Hiểm nguy rình rập là vậy, song rất nhiều lao động khi sang đến Hàn Quốc không nắm được các thông tin về rủi ro, hoặc họ bị các chủ lao động hoặc người lao động đi trước chèo kéo nên thường bỏ trốn.
Vì vậy, để hạn chế NLĐ bỏ trốn, tránh rủi ro cho chính bản thân họ và tránh hệ lụy cho những lao động đang chờ xuất cảnh qua nước bạn làm việc, chính quyền ở cơ sở các địa phương cần làm việc với đại diện gia đình NLĐ để xem xét trách nhiệm và thống nhất các phương án, biện pháp để xử lý vấn đề NLĐ vi phạm hợp đồng và vận động họ quay trở lại nơi làm việc.
Đồng thời cần có chế tài cụ thể để tránh việc lao động bỏ trốn ảnh hưởng đến địa phương và người lao động. Bên cạnh đó, ngoài việc cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng như các DN cung ứng lao động tăng cường giáo dục định hướng cho NLĐ để giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn. Các bộ, ngành liên quan cần có kiến nghị với phía đối tác Hàn Quốc đưa ra biện pháp xử phạt nặng các tổ chức, cá nhân ở Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp khi có tố cáo hoặc bị phát hiện.