Ma túy, hàng lậu ẩn dưới vỏ bọc ưu đãi thông quan
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, cơ quan Hải quan đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.
Trong đó, nổi bật là các nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều đối tượng, doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng các phương thức thông quan và quản lý hàng hóa thông quan để thực hiện các hành vi gian lận, buôn lậu, vận chuyển ma tuý.
Lợi dụng “luồng xanh” để buôn lậu
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, các đối tượng đã lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa, nhất là trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu như sử dụng khai báo hải quan điện tử (VNACSS/VCIS), áp dụng quản lý rủi ro trong phân luồng, miễn kiểm tra thực tế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất, nhập cảnh để cất giấu ma túy...
Cùng với đó, nhiều DN lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, DN sử dụng phương thức chọn luồng, cùng một lô hàng khai báo nhiều tờ khai ở cùng một chi cục hoặc khác chi cục, nếu luồng đỏ thì hủy tờ khai, chọn luồng vàng, xanh để thông quan hàng hóa.
Tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều DN lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại. Tính từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã xử lý gần 1.200 vụ; ra quyết định khởi tố 3 vụ, trị giá tang vật trên 6 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố gần 45 vụ việc.
Bên cạnh đó còn có hiện tượng, DN lợi dụng việc thông thoáng trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử để khai sai về tên hàng, mã số, vi phạm quy định về khai thuế, khai sai trị giá tính thuế, hàng hóa vi phạm gửi qua đường bưu phẩm, bưu kiện là các loại hàng cấm như cần sa thực vật, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần... Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn thành lập nhiều công ty, với địa chỉ sai, không có bảng hiệu, thường xuyên thay đổi trụ sở để gây khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý...
Đơn cử, vừa qua, Cục Hải quan Quảng Trị đã phối hợp kiểm tra 7 xe container của Công ty TNHH xuất nhập khẩu An Trần (TP Đông Hà, Quảng Trị) và phát hiện trong 7 container chứa gần 450m3 gỗ các loại và gần 11.000kg đá phấn quý hiếm vận chuyển từ Lào vào Việt Nam. Trong đó, đơn vị đã phát hiện khai báo gian lận vượt 84m3 gỗ so với tờ khai nhập khẩu hàng hóa và hơn 77m3 gỗ quý hiếm, gồm gỗ cẩm lai, gỗ trắc (trị giá ước tính khoảng 10 tỷ đồng). Gần 11.000kg đá phấn (trị giá ước tính khoảng 5 tỷ đồng) được giấu trong các container không có tờ khai nhập khẩu hàng hóa.
Về phương thức, thủ đoạn thường được tội phạm ma túy sử dụng, đại diện Phòng Kiểm soát ma túy (Cục Điều tra Chống buôn lậu) cho biết, các đối tượng sẽ khai báo sai tên hàng hoá, số lượng, chủng loại hàng hoá và lợi dụng các DN được ưu tiên để trà trộn, cất giấu ma tuý vào hàng hoá xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, cất giấu trong người, hành lý để đưa ma tuý vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài tiêu thụ, nhất là các phương tiện thường xuyên qua lại biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên đã đấu tranh, chặt đứt đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia qua địa bàn. Cụ thể, sau khi phát hiện những dấu hiệu tồn tại một đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Lào qua tuyến biên giới Điện Biên về nước ta tiêu thụ; các đối tượng tạo vỏ bọc bằng cách chở những bao tải hàng hóa nông sản có giấu ma túy bên trong, vận chuyển đi tiêu thụ tại các thành phố lớn và xuất sang nước thứ 3… lực lượng chức năng đã vào cuộc phá án và thu giữ 21kg ma túy đá và 8 bánh heroin có trọng lượng khoảng 2,4kg khi đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ. Hay trước đó, khi kiểm tra một số lô hàng mở tờ khai tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất xuất khẩu đi Đài Loan (Trung Quốc), lực lượng Hải quan đã phát hiện 81 gói ketamine, tổng cộng 4.392 gram.
Đặc biệt, tội phạm ma túy tiếp tục lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container tuyến đường biển để vận chuyển ma túy. Chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục xuất nhập khẩu mà lựa chọn các DN chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan làm hợp đồng ủy thác xuất, nhập khẩu hàng hóa lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau. Thậm chí, đối tượng còn sử dụng công ty “ma” để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy đi vào Việt Nam. Vì vậy, số lượng ma túy vận chuyển ở mỗi đường dây không còn nhỏ lẻ như trước mà lên đến hàng trăm ki-lô-gam.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn nhập khẩu máy móc về Việt Nam rồi gia cố, thiết kế lại các bộ phận, tạo các ngăn giả bên trong máy để giấu ma túy nhằm đối phó sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu hoặc cố tình vận chuyển hàng đến cửa khẩu để xuất đi nước ngoài sát giờ tàu chạy nhằm tạo áp lực cho cán bộ Hải quan.
Ngoài ra, đối với loại hình hàng hoá, phương tiện quá cảnh và tạm nhập - tái xuất, tội phạm ma tuý thường lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở, nhất là các phương tiện container nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Đẩy mạnh giám sát cơ động
Thực tế vụ việc cho thấy, để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng dùng thủ đoạn vận chuyển hàng lậu rất tinh vi, như: Thiết kế, gia cố thêm vách ngăn, hầm hàng trên xe ôtô, kết hợp lợi dụng số lượng hàng nhiều, quy cách không đồng nhất để trà trộn, cất giấu hàng hóa. Mới đây nhất, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu) qua kiểm tra phương tiện tàu gỗ gắn máy, không có biển kiểm soát, phát hiện 1.011 thùng, bao, kiện, bao hàng hoá các loại có chứa 131.071,8 đơn vị hàng hoá.
Thực tế cho thấy, nếu trước đây các đối tượng chủ yếu chọn phương thức vận chuyển qua đường mòn, lối mở thì đến nay, bên cạnh phương thức này, các đối tượng người nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc sang Việt Nam mở các công ty “bình phong” xuất, nhập khẩu, thuê các kho hàng tại tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh… Sau đó, chỉ đạo người Lào, Thái Lan, Việt Nam ở vùng biên giới vận chuyển ma túy tổng hợp, heroin qua đường mòn tiểu ngạch biên giới, bí mật tập kết về kho hàng, để xuất khẩu sang nước thứ 3.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để vấn đề này, ngành Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ có tính phân lớp quản lý để kiểm soát như kiểm tra không xâm nhập bằng soi chiếu trước khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu nhập; kiểm tra qua soi chiếu đối với hàng xuất khẩu sau khi đã thông quan tại cửa khẩu xuất; đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan; tăng cường giám sát hải quan tại các địa điểm kiểm tra, nơi tập kết hàng hóa; giám sát các kho chứa hàng hóa, đẩy mạnh giám sát cơ động...
Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục cải cách, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan nhằm chủ động phát hiện tội phạm ma túy. Cơ quan hải quan cũng sẽ tăng cường thu thập thông tin về DN, phân tích thông tin của hàng hóa, đại lý hải quan, người xuất nhập cảnh, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, tuyến đường vận chuyển có nguy cơ rủi ro cao để cập nhật vào hệ thống phân luồng, cảnh báo cho các đơn vị thực thi kiểm soát tại cửa khẩu.
Ngoài ra, sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng như Công an, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... để trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan, bộ, ngành khác trong phát hiện, bắt giữ buôn lậu, vận chuyển ma tuý.