Minh bạch để thị trường trái phiếu phát triển

08:09 20/05/2024

Với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo kiểu “bò ngang”, các chuyên gia cho rằng mục tiêu nâng dư nợ TPDN đạt tối thiểu khoảng 20% GDP đến năm 2025, và đạt 25% đến năm 2030 là rất thách thức.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), có tổng cộng 13 đợt phát hành TPND riêng lẻ với trị giá 13.940 tỷ đồng trong tháng 4/2024. Đồng thời, các doanh nghiệp đã mua lại 12.001 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 31 đợt phát hành riêng lẻ với trị giá 29.050 tỷ đồng và 6 đợt phát hành ra công chúng với trị giá 8.878 tỷ đồng. Con số này, nếu so với sự “đóng băng” của thị trường trong năm 2023, thì có vẻ thị trường đang “ấm dần” lên, song nếu so với thời kỳ đỉnh cao của khối lượng phát hành TPDN năm 2020 thì còn quá xa vời.

Trái phiếu doanh nghiệp là thị trường vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ 2018-2021, khủng hoảng thị trường trái phiếu xảy ra vào năm 2022 tỷ lệ dư nợ rơi từ 16% GDP xuống còn khoảng 11% GDP và hiện tại chưa có chiều hướng đi lên mà vẫn “bò ngang”. Tăng trưởng chưa rõ, quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ. Thị trường trái phiếu so với GDP khoảng 11% nhưng so tổng vốn huy động thì quy mô trái phiếu còn nhỏ hơn nữa. Vốn trái phiếu khoảng 8% so với tín dụng, các doanh nghiệp hiện nay chưa tiếp cận đúng nghĩa thị trường vốn mà vẫn thông qua ngân hàng huy động vốn ngắn hạn. "Trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp nhưng hiện nay với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 dư nợ TPDN đạt tối thiểu khoảng 20% GDP là khó. Đến năm 2030, mục tiêu dư nợ TPDN đạt được 25% cũng rất khó", ông Cường nhận định.

Đồng quan điểm, ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam VIS Rating, cho hay quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam không hề bé. So với các nước trong khu vực, chúng ta rơi vào khoảng 47 tỷ USD cao hơn Philippines, Indonesia nhưng nhỏ hơn Malaysia và Thái Lan. Nhìn vào mục tiêu năm 2030 phải đạt 25% GDP, theo ông Minh là rất khó. Nếu Việt Nam chỉ tăng trưởng GDP tốc độ bình quân 5,5 - 6% cho 8 năm tới thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ vào khoảng 160-170 tỷ USD, tăng 3,5 lần so với quy mô hiện tại. Lúc đó, thị trường TPDN của Việt Nam sẽ tương đương với Malaysia. Và bình quân 8 năm tới, mỗi năm Việt Nam phải phát hành mới khoảng 370 nghìn tỷ trái phiếu, tương đương kết quả năm 2020 - năm đỉnh cao trước khi bùng nổ những vấn đề trên thị trường. "Đây thực sự là mục tiêu khó khăn", ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Trần Lê Minh, để thị trường trái phiếu Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra thì cần phải thực hiện được “một tiền đề và ba điều kiện”, trong đó tiền đề tiên quyết để phát triển thị trường TPDN chính là ở sự minh bạch. “Nếu không minh bạch thị trường sẽ không thể và không bao giờ phát triển được. Theo đó, phải có thông tin mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường gồm mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ và phải có thông tin đầy đủ về rủi ro của tổ chức phát hành được một bên độc lập cung cấp”, ông Minh nói. Ngoài ra, theo ông Minh, cần có tham chiếu đơn giản phổ biến để nhà đầu tư dựa vào đó để biết trái phiếu đang được giao dịch mức giá thế nào, hay còn gọi là đường cong lãi suất TPDN. Điều này giúp các nhà đầu tư tránh tình trạng dò dẫm, không biết giá nào đúng để đặt lệnh giao dịch. Bên cạnh đó, phải thay đổi cơ cấu nhà đầu tư.

Cũng đồng tình với quan điểm phải minh bạch để thị trường TPDN phát triển, song bà Thái Thị Quỳnh Như, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, cho rằng lấy lại niềm tin của nhà đầu tư thì quan trọng nhất làm sao vừa minh bạch thông tin, vừa đảm bảo thông tin chính xác tin cậy. “Minh bạch nhưng không có độ đảm bảo mặt pháp lý thì khó. Tôi đề nghị cơ quan giám sát kỹ tính pháp lý tài sản đảm bảo trước khi mang ra huy động vốn, nhất là với tài sản đảm bảo bằng bất động sản", bà Như kiến nghị.

Theo bà Như, điều kiện để phát hành trái phiếu ra thị trường có hai loại gồm TPDN không có tài sản đảm bảo và một loại là có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu chiếm 38%, tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm 30%, tài sản là một số dự án hình thành trong tương lai chiếm 32%. Như vậy, bất động sản là tài sản đảm bảo chiếm vai trò hết sức quan trọng. Khi nhà đầu tư quyết định đầu tư thì họ sẽ nhìn nhận vào độ tin cậy của trái phiếu đó. Nếu có rủi ro thu hồi vốn và dòng tiền đầu tư thì trái phiếu không có đảm bảo sẽ rất khó thu hút, bởi huy động vốn từ các cá nhân chiếm phần lớn so với doanh nghiệp.

Với người dân, quyết định lấy tiền tiết kiệm mang đi đầu tư thì tài sản đảm bảo là rất quan trọng. Với tài sản đảm bảo là bất động sản, một số doanh nghiệp đã xảy ra hoặc có xu hướng manh nha không có khả năng chi trả khi có rủi ro xảy ra. Ví dụ, một tập đoàn trước khi có biểu hiện nguy hiểm thì đều đưa ra lãi suất huy động trái phiếu cực kỳ cao, có thể lên tới 12%/năm hoặc hơn thế. "Tôi nghĩ không có một doanh nghiệp nào kinh doanh đầu tư có được lãi suất khủng như thế", bà Như nói.

“Áp lực TPDN riêng lẻ đáo hạn sẽ hạ nhiệt trở lại trong tháng 5/2024, đồng thời, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu vẫn diễn ra sôi động trong tháng 4 vừa qua. Theo ước tính của chúng tôi trong tháng 5/2024 sẽ có khoảng hơn 13,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn, hạ nhiệt đáng kể so với trước” - báo cáo phân tích của VNDirect.

Hà An

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文