Một số mặt hàng tăng giá trong chương trình bình ổn thị trường
Trên cơ sở đăng ký giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý Mão năm 2023, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh vừa có kết quả xét duyệt giá đăng ký của các DN tham gia. Chương trình bình ổn thị trường được triển khai từ tháng 4/2022 đến hết tháng 3/2023.
Có 34 DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường 2022 và Tết Quý Mão năm 2023. Theo tiêu chí xét duyệt giá đối với chương trình bình ổn thị trường 2022 và Tết Quý Mão năm 2023 thì các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, giá bán phải đảm bảo thấp hơn giá thị trường cuả sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký gía, ít nhất từ 5% -10%.
Tuy nhiên, theo thống kê trong 10 nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022- 2023, có 3 nhóm hàng DN đề nghị tăng giá so với năm 2021 là: dầu ăn (tỷ lệ điều chỉnh 24%), thịt gia cầm (tỷ lệ điều chỉnh 10% -27%), trứng gia cầm (tỷ lệ điều chỉnh 5%-9%) và 1 nhóm hàng lương thực chế biến (bún, phở ăn liền) đăng ký giảm giá 2% theo chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%. Còn lại 6 nhóm hàng giữ nguyên giá như năm 2021.
Theo thông tin từ các DN và qua theo dõi tình hình diễn biến thị trường, Sở Tài chính ghi nhận, trong năm 2022 có rất nhiều yếu tố đầu vào tác động vào giá cả hàng hóa trên thị trường. Điển hình như: mặt hàng thức ăn chăn nuôi đã có nhiều đợt tăng giá do ảnh hưởng đại dịch COVID -19, đặc biệt tăng mạnh trong năm 2022 vì nguồn cung hạn chế do căng thẳng Nga - Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu (Ukraine là nhà xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới khoảng 30 triệu tấn/năm).
Theo số liệu thống kê từ thời điểm tháng 3/2022 so cùng kỳ, giá thức ăn chăn nuôi đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc (tăng 23,1%-33,4%), dự kiến giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này tác động mạnh đến ngành chăn nuôi do nước ta chủ yếu nhập khẩu tới 70% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 65-70% giá thành, đã kéo theo giá thành phẩm tăng cao.
Còn với mặt hàng dầu ăn, nguyên liệu nhập khẩu và giá dầu nhập khẩu tăng mạnh, trong khi có đến 90% nguyên liệu để sản xuất dầu ăn, các DN trong nước phải nhập khẩu… Ngoài ra, tình hình giá xăng dầu trong thời gian qua liên tục tăng, trong năm 2022 đã thực hiện điều chỉnh tăng 6 lần liên tục đã tác động đến chi phí vận chuyển trong chi phí sản xuất tăng cao.
Với tình hình trên, một số mặt hàng của các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng đã đủ điều kiện để điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên, để chia sẻ cùng Thành phố, cũng như chia sẻ bớt khó khăn với người tiêu dùng (NTD), qua làm việc với các sở ngành, các DN cũng đã thống nhất: điều chỉnh tăng 7% -14% đối với mặt hàng thịt gia cầm và mặt hàng trứng gia cầm điều chỉnh tăng 5%-6%, trứng gà có giá 20.500 đồng/chục, trứng vịt 35.000 đồng/chục.
Riêng các mặt hàng phục vụ mùa khai trương, giá bán của các sản phẩm trong chương trình bình ổn thị trường phải đảm bảo luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%-15%. Có 6 đơn vị nộp hồ sơ đăng ký giá, trong đó 1 DN đăng ký giảm giá, còn 5DN đăng ký bằng giá so năm 2021, các mặt hàng gồm: Tập học sinh, dụng cụ học tập, cặp, ba lô, túi xách, đồng phục.
Với nhóm mặt hàng dược phẩm thiết yếu, có 8 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường với 260 mặt hàng thuộc 19 nhóm thuốc. Giá bán các mặt hàng dược phẩm sẽ thấp hơn giá thị trường cùng loại (cùng biệt dược) ít nhất 5%-10%. Đặc biệt, năm nay các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID -19 cũng được đưa vào chương trình bình ổn thị trường như: khẩu trang, nước rửa tay, Gel kháng khuẩn (thấp hơn giá thị trường 3%-15%)…