Nhà mạng “chặt chém”, nhà băng tăng phí
Mấy ngày gần đây, nhiều người dùng dịch vụ tin nhắn của các ngân hàng tá hỏa khi bị trừ tiền phí dịch vụ đắt gấp 5, gấp 7 lần mức cũ. Trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, việc phí dịch vụ tăng đi ngược với chủ trương hỗ trợ người dân của Chính phủ đang làm nhiều người bức xúc.
Bỗng dưng… tăng phí
Là một khách hàng trung thành với các dịch vụ của ngân hàng Vietcombank hàng chục năm nay, chị Huyền Phạm (Hà Nội) giật mình khi bỗng dưng nhận được tin nhắn trừ phí dịch vụ SMS tới 55 nghìn đồng/tháng.
“Từ trước tới nay, tôi vẫn nhận được tin nhắn trừ phí dịch vụ SMS 11 nghìn đồng tiền phí/tháng, song lần này, bỗng dưng bị thu tới 55 nghìn đồng/tháng - gấp 5 lần so với mức cũ. Tôi thấy quá bất ngờ, sau khi kiểm tra lại các thông tin, mới biết từ trước Tết, ngân hàng Vietcombank đã thông báo nâng phí. Nếu biết, tôi đã hủy dịch vụ SMS, chứ nâng tới gấp 5 lần thì thật sự quá lớn”, chị Huyền chia sẻ.
Cũng vì không để ý, đến khi bị trừ tiền, chị Nguyễn Hiệp (Hà Đông) sử dụng dịch vụ tra biến động số dư qua SMS của ngân hàng BIDV mới giật mình khi bị trừ tới 77 nghìn đồng/tháng.
“Ở cơ quan, tôi là thủ quỹ nên có trách nhiệm nhận các khoản tiền thưởng, tiền trực, công tác phí… cho mọi người rồi chuyển khoản. Bình thường dù sử dụng dịch vụ bao nhiêu đi chăng nữa, tôi vẫn chỉ phải đóng có 11 nghìn đồng. Đợt vừa rồi Tết nhất nên phát sinh nhiều khoản, tôi cũng phải chuyển khoản nhiều, tới khi bị trừ 77 nghìn đồng phí dịch vụ SMS tôi mới biết có sự thay đổi trong cách tính phí của ngân hàng. Ngay lập tức, tôi đã phải hủy dịch vụ này để tránh bị “móc túi”, chị Hiệp cho biết.
Chị Huyền và chị Hiệp chỉ là 2 trong số rất nhiều khách hàng “bất ngờ và bức xúc” vì bị trừ phí dịch vụ nhắn tin SMS quá cao. Để đổi phó, hầu hết các khách hàng đều lựa chọn cách đơn giản nhất là hủy dịch vụ này.
“Trước đến giờ, tôi vẫn nhận thông tin biến động số dư qua cả 2 kênh SMS và app. Thực ra việc dùng aap rất tiện, nhưng do nhiều khi không tránh được có lúc này lúc khác bị lỗi mạng nên tôi mới duy trì dịch vụ SMS. Tuy nhiên, nếu cước phí tăng gấp năm, gấp bảy lần như thế, tính ra cả năm, tôi cũng mất cả tiền triệu nên tôi quyết định phải dừng lại”, chị Yến - một khách hàng khác chia sẻ.
Trong mấy ngày qua, việc phí dịch vụ tin nhắn SMS đang gây xôn xao thị trường tài chính. Với hàng chục triệu tài khoản ngân hàng, việc phí tin nhắn tăng gấp 5, gấp 7 lần so với mức cũ “bổ đầu” mỗi người thì không quá lớn, nhưng nếu cộng lại, thì đó sẽ là con số khổng lồ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, nhiều người đã bỏ dịch vụ SMS để chuyển sang nhận biến động số dư qua app.
Cần hài hòa lợi ích 3 bên
Mới đây, Vietcombank đã chính thức lên tiếng trên trang fanpage của mình để giải đáp thắc mắc của khách hàng. Theo đó, việc điều chỉnh biểu phí dịch vụ ngân hàng điện tử và chính sách dịch vụ tài khoản dành cho khách hàng cá nhân áp dụng từ 1/1/2022, Vietcombank đã thông tin trên các kênh app, email, website cho tất cả các khách hàng và gửi tin nhắn trực tiếp tới những khách hàng có số lượng nhận tin nhắn cao căn cứ vào lịch sử sử dụng trong 3 tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021.
Vietcombank cũng đăng tải thông báo về việc miễn phí duy trì dịch vụ và phí chuyển tiền trên VCB Digibank và điều chỉnh phí duy trì dịch vụ nhận tin nhắn chủ động qua SMS (dịch vụ SMS chủ động) ngày 25/12/2021 trên website ngân hàng.
Cụ thể, ngân hàng tăng phí SMS banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000 - 77.000 đồng/tháng tùy theo lượng tin nhắn trong tháng. Nếu số lượng tin nhắn dưới 20 tin, mức phí áp dụng sẽ là 10.000 đồng/tháng/số điện thoại; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 25.000 đồng/tháng/số điện thoại; từ 50 đến dưới 100 tin nhắn là 50.000 đồng/tháng/số điện thoại; từ 100 tin nhắn trở lên là 70.000 đồng/tháng/số điện thoại. Các mức phí chưa bao gồm VAT. Ngoài ra, Vietcombank cũng lưu ý người dùng một cách để thay thế SMS chủ động, tiết kiệm chi phí là đăng ký tính năng OTT Alert ngay trên ứng dụng VCB Digibank.
Chia sẻ thêm thông tin, các ngân hàng cho biết, hiện nay, khách hàng vẫn sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP – mật khẩu giao dịch một lần qua tin nhắn SMS. Ngân hàng thường chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP. Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ tin nhắn SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông.
Cụ thể, Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn. Trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99 - 350 đồng/tin nhắn - tức mức giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao gấp ba lần so với tin nhắn thông thường của khách hàng cá nhân hoặc tin nhắn áp dụng cho các lĩnh vực khác. Để cân đối lợi nhuận, các ngân hàng cũng phải nâng giá phí dịch vụ tin nhắn SMS banking.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đã chuyển hướng mạnh sang khuyến khích các khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số... để thay thế tin nhắn dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, một số ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì trên kênh ngân hàng số.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, lợi ích của việc sử dụng tin nhắn dịch vụ ngân hàng là không thể phủ nhận nhưng cần phải đảm bảo mức phí đó ở mức tương xứng.
“Các tổ chức tín dụng thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của khách hàng cao tương ứng thì rất mang tiếng nhưng nếu miễn phí cho khách hàng thì các tổ chức tín dụng cũng không thể “gánh” được cước phí của nhà mạng thu. Đặc biệt, trong bối cảnh đang hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay, do đó, các tổ chức tín dụng hạn chế đến mức tối đa sử dụng dịch vụ tin nhắn, chuyển sang thông báo số dư qua app ngân hàng. Đây cũng là một giải pháp giảm chi phí cho người dân”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, đại diện Hiệp hội cho rằng, các tổ chức tín dụng và các nhà mạng cần thống nhất với nhau về quan điểm, cách làm, đưa ra mức phí dịch vụ phù hợp để hài hòa lợi ích các bên.