Nhiều giải pháp chống buôn lậu tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn
Khu vực cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn những ngày cuối tháng 8, hoạt động thông quan hàng hoá vẫn diễn ra bình thường, khu vực cửa khẩu được thực hiện và kiểm soát nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, lượng người trong khu vực cũng giảm đi, cùng với đó, buôn lậu trên tuyến này cũng đã giảm nhiệt.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát phức tạp, hai bên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, lực lượng chức năng siết chặt hoạt động xuất nhập cảnh tại các khu vực cửa khẩu, lối mở. Song song với đó phía Trung Quốc đã xây tường rào kín, do vậy việc buôn lậu, mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường mòn, lối mở, đồi núi khu vực giáp biên hầu như không còn.
Từ khu vực mốc 1088/2, con đường đấu nối cửa khẩu Tân Thanh sang Khả Phong (Trung Quốc). Phía Trung Quốc đã xây cột, dựng hàng rào dây thép gai cao khoảng 3,5m ngăn cách giữa hai nước. Đồng thời, gắn nhiều thiết bị camera giám sát, kèm theo đó là hệ thống đèn chiếu sáng, loa cảnh báo… dọc con đường chuyên dụng vận tải hàng hóa có điểm chốt chặn của 2-3 chiến sỹ, cán bộ lực lượng Biên phòng- Hải quan túc trực 24/24h.
Trong khu vực cửa khẩu Tân Thanh vắng vẻ, hầu như không có người đi lại. Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh khu vực xuất nhập cảnh vẫn đóng cửa, khu vực xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá thì lượng xe chờ làm thủ tục XK không nhiều, tuy nhiên đi dọc hai bên đường nhỏ ở khu vực cửa khẩu thì số xe đầu kéo chờ hàng đậu đỗ khá nhiều.
Ông Bế Thái Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện quản lý và kiểm soát chặt phương tiện chở hàng hoá XNK nhằm phòng, chống dịch. Trong một tháng qua, Chi cục đã làm thủ tục cho 5819 bộ tờ khai XNK với tổng kim ngạch đạt 61.549.156 USD, giảm 12,9% về lượng tờ khai và giảm 2,6% về kim ngạch so với tháng trước. Lý giải về việc sụt giảm này, ông Hưng cho biết, từ đầu tháng 8, một số hoa quả vào cuối vụ nên số hàng nông sản sụt giảm, cùng với đó, phía Trung Quốc xuất hiện vài ca COVID-19 nên có thời điểm họ đã thực hiện phong toả một số tuyến đường, do đó lưu lượng phương tiện vận vải xuất nhập cảnh qua cửa khẩu có dấu hiệu giảm so với những tháng trước. Hàng hoá XNK khẩu vẫn duy trì ở mức 250-300 xe/ngày.
Theo ông Hưng, tình hình xuất nhập cảnh trái phép được kiểm soát chặt trên tuyến đường mòn, lối mở biên giới; tình trạng mang vác hàng lậu, vận chuyển trái phép chất ma tuý, tiền giả trên địa bàn cơ bản được kiểm soát ngay từ biên giới. Tuy nhiên, về gian lận thương mại vẫn còn xảy ra các hình thức lợi dụng quy trình hải quan điện tử, hàng hoá được phân luồng xanh, luồng vàng (miễn kiểm tra thực tế) để khai sai về chủng loại hàng hoá, mã số, trị giá dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp mà cơ quan hải quan phát hiện khi kiểm tra trong quá trình làm thủ tục thông quan, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hoá nhập khẩu, mua bán. Mặt hàng vi phạm chủ yếu là một số mặt hàng tiêu dùng. Tính đến hết ngày 13/8/2022, đơn vị chỉ phát hiện 160 vụ vi phạm hành chính về hải quan với số tiền phạt vi phạm hành chính trên 739 triệu đồng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Hứa Thị Hồng cũng cho biết, đến 12/8, đơn vi phát hiện 470 vụ vi phạm hành chính về hải quan với số tiền phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Từ số liệu này cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, tại địa bàn chưa phát sinh vụ việc nào liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Điều này cho thấy, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đường mòn, lối mở... tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Hữu Nghị đã được kiểm soát.
Đây là tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới, tuy nhiên, ông Đặng Văn Ngọc, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho rằng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua địa bàn giảm mạnh, nhưng nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn rất cao và không thể chủ quan. Bởi, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động XNK vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông quan điện tử để gian lận.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng đối với các hành vi vi phạm trong một số loại hình kinh doanh thương mại phi truyền thống chưa tương xứng với diễn biến thực tế, do vậy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là gian lận thương mại qua thương mại điện tử, vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh.
Về công tác kiểm soát, giám sát hàng hóa nhằm phòng ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông quan điện tử để gian lận thương mại, ông Vũ Tuấn Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Đội Kiểm soát hải quan, các chi cục hải quan cửa khẩu tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tập trung kiểm soát các nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, các mặt hàng phòng, chống COVID-19… Cùng với đó, các đơn vị đã thường xuyên tiến hành thu thập thông tin về doanh nghiệp, đối tượng, hàng hóa XNK, tập trung vào nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận về trị giá, có thuế suất cao, mặt hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và các doanh nghiệp có độ rủi ro cao...
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Trong đó, các thành viên, cơ quan, ban ngành, lực lượng của tỉnh cần tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chống buôn lậu của các đơn vị chức năng; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chống buôn lậu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay cho buôn lậu.