Những "điểm nghẽn" cản ngành logistics phát triển

08:19 13/08/2023

Logistics được xác định là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Trong khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm và thiếu đồng bộ đang là "điểm nghẽn" khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng, khiến mạng lưới vận chuyển nội địa, kết nối thương mại trong nước với quốc tế còn nhiều khó khăn.

Đến nay, có đến hơn 50% kho bãi phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics. Hơn 50% đường bộ phải chịu tình trạng kém chất lượng và không bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa. Các công ty logistics Việt Nam dù chiếm hơn 80% số lượng nhưng chỉ giữ khoảng 30% thị phần, mới đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và mới chỉ tập trung vào một vài ngành dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ có doanh số hàng tỉ USD.

Ảnh minh hoạ.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK - Bộ Công Thương đã chỉ ra những điểm yếu làm cản trở sự phát triển của ngành logistics. Đó là việc  đầu tư vào hạ tầng khá lớn, nhưng chưa đồng bộ. DN ngành logistics số lượng lớn nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên năng lực chủ yếu cung cấp dịch vụ trong phạm vi biên giới Việt Nam.

Còn về nhân lực, đang chậm so với các nước bởi thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ quản lý cấp trung. Ngoài ra, dù đang trong thời đại 4.0, tác động của công nghệ tới các ngành là rất rõ nhưng sự áp dụng công nghệ trong ngành logistics chưa rõ. Những yếu tố này đã khiến chi phí logistics tại Việt Nam đang cao hơn nhiều nước trên thế giới (thế giới hiện chỉ khoảng 10,6% còn Việt Nam khoảng 16,8%).

Thực trạng trên khiến việc cạnh tranh của ngành cũng như hoạt động XNK bị hạn chế. DN thường xuyên bị hãng tàu nước ngoài ép giá ở mức cao nhưng không có giải pháp xử lý. Chính vì vậy, việc kéo giảm chi phí logistics là hết sức cần thiết. Để làm điều này, nhanh chóng hình thành trung tâm logistics lớn, cải thiện hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp...

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh.

Cùng với đó, tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng. Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ, thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành và Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương.

Với TP Hồ Chí Minh, logistics được xác định là một ngành rất quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế, Thành phố đã phê duyệt đề án "Phát triển ngành logistics TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, Thành phố sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha bao gồm Cát Lái - Phú Hữu - TP Thủ Đức (diện tích 292ha), Long Bình - TP Thủ Đức (diện tích 54ha), Linh Trung - TP Thủ Đức (diện tích 74ha), Củ Chi - huyện Củ Chi (diện tích 15ha), Tân Kiên - huyện Bình Chánh (diện tích 60ha), Hiệp Phước - huyện Nhà Bè (diện tích 100ha), xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150ha).

Ngoài ra, các dự án có chức năng "tương tự trung tâm logistics" như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… cũng đang được các DN triển khai xây dựng. Với vai trò là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của DN đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP Thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Trưởng phòng XNK - Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đề án logistisc được UBND Thành phố phê duyệt năm 2021. Tuy nhiên do vướng dịch, nên việc triển khai kế hoạch ở trên giấy là chủ yếu. Còn việc triển khai thực tiễn, kêu gọi đầu tư là bắt đầu từ giữa 2022 đến nay. Trong 8 trung tâm logistics đã được phê duyệt, đến nay có 1 trung tâm logistisc chọn được nhà thầu và chuyển qua giai đoạn đầu tư, 7 trung tâm còn lại Sở Công Thương đang phối hợp với các sở, ngành và các địa phương để tiếp tục triển khai, thực hiện.        

T.Hà - H.Giang

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文