Những dự án điện gió nghìn tỉ “đắp chiếu” chờ … cơ chế

17:45 01/06/2022

Từ phản ánh của báo chí về việc "nhà đầu tư điện gió” kêu cứu vì nguy cơ phá sản do… chờ cơ chế", Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Công Thương "kiểm tra và xử lý ngay". Nhưng một số quy định bất cập vẫn chưa được tháo gỡ đang “đẩy” nhà đầu tư điện gió tiếp tục rơi vào cảnh bế tắc.

Bốn nhà đầu tư điện gió tại các dự án Nhơn Hội, Nam Bình 1, Cầu Đất và Tân Tấn Nhật liên tiếp gửi kiến nghị tới Chính phủ, bộ, ngành liên quan, đề nghị sớm đưa dự án vào vận hành thương mại (COD).

Trái ngược với sự mong đợi của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã dẫn ra các quy định hiện hành tại quyết định 39/2018 và Thông tư số 02 về phát triển dự án điện gió, nhưng vẫn chưa có báo cáo kiến nghị, đề xuất hướng giải quyết cụ thể. Mặc dù các nhà đầu tư đã cho rằng các quy định trên là bất cập và mâu thuẫn.

Trên thực tế, đến nay khi Quyết định 39 đã hết hiệu lực, nhưng 7 tháng trôi qua vẫn chưa có một hướng xử lý rõ ràng khiến nguồn năng lượng này bị lãng phí.

Những cột điện gió xây dựng xong rồi ...để đó 

Điều đáng nói là giữa bối cảnh nguy cơ thiếu điện, đặc biệt ở miền Nam, thì có một nghịch lý là hàng loạt cột điện gió đã hoàn thành, sẵn sàng cung ứng điện để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, lại rơi vào cảnh… "đắp chiếu".

Một trong những "địa chỉ" đầu tư sôi động bậc nhất ở Nam Trung Bộ, ngay tại nơi được xem là "mặt tiền" của Khu kinh tế Nhơn Hội, những cột điện gió của dự án điện gió Nhơn Hội đã được lắp đặt hoàn thiện dọc dãy núi Phương Mai, "đứng yên bất động" trong nhiều tháng.

6 tuabin trong giai đoạn 1 hướng nhìn về phía Eo Gió (xã Nhơn Lý, TP  Quy Nhơn) đã được vận hành thương mại trước đó.

Đứng từ chân cột điện gió, ông Trần Đức Lưu, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và xây dựng thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội - Bình Định chia sẻ, có không ít nhà đầu tư khi đến đây đã đặt câu hỏi tại sao những cột điện gió kia "bất động" lâu đến vậy, đồng thời bày tỏ lo ngại liệu cơ chế, chính sách có gì vướng mắc, bất cập khiến cho dự án chưa thể đi vào vận hành?!

Các tuabin gió chưa được vận hành thương mại trong dự án Nhơn Hội 2 cần bảo dưỡng thường xuyên để luôn sẵn sàng cho khâu thử nghiệm cuối cùng.

Không chỉ là nỗi sốt ruột, ông Huỳnh Văn Luận , Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng FICO Bình Định - chủ đầu tư của điện gió Nhơn Hội, cho biết dự án có tổng công suất 60 MW (gồm 12 tuabin) được chia làm 2 giai đoạn, đến nay mới chỉ một nửa đi vào vận hành thương mại (COD), khiến nhà đầu tư lo lắng vì thiệt hại mỗi ngày trôi đi lên tới hàng trăm triệu đồng và phải giải quyết các tranh chấp, nợ nhà thầu chưa trả được trong khi ngân hàng rốt ráo thu hồi.

Ông nhớ lại, hồi giữa tháng 10/2021 khi mọi hạng mục đã hoàn thành, chỉ còn khâu cuối là thử nghiệm thì cơn bão áp thấp nhiệt đới kèm mưa lớn đi qua nên không thể thực hiện và dự án "đóng băng" từ đó.

Trong khi nếu có thể kịp vận hành, với 6 trụ tuabin mỗi ngày phát 336.000 kWh điện, tương ứng doanh thu là 650 triệu đồng, không chỉ tạo ra doanh thu, mà còn cung ứng nguồn điện cho địa phương, thu ngân sách mỗi năm gần 19 tỉ đồng.

Dự án Nhà máy điện gió Nam Bình 1 chính thức khởi công từ tháng 5/2021, đã hòa lưới điện quốc gia từ ngày 29/10/2021 nhưng vẫn “đắp chiếu” vì chưa được công nhận vận hành thương mại.

Cũng trong tình cảnh tương tự, tại dự án điện gió Nam Bình 1 (Đắk Nông) là khung cảnh "đìu hiu" vắng lặng của 9 cột điện gió có tổng công suất 29,7 MW. Ông Lương Duy Nam, Giám đốc dự án Công ty cổ phần Nam Bình cho biết, dù đã đóng điện thành công trạm biến áp và hòa lưới toàn bộ nhà máy vào lưới điện quốc gia từ ngày 29/10/2021, nhưng đáng tiếc do thử nghiệm kỹ thuật không đạt vì vận tốc gió thấp, nên nhà máy không được công nhận COD.

Đến nay, dự án "đắp chiếu" để không, doanh thu mỗi tháng dự kiến từ 10 - 15 tỷ đồng là con số 0, công ty vẫn phải thuê hàng chục chuyên gia, kỹ sư để vận hành trạm biến áp, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ cho các trụ tuabin, trả lãi và gốc vay ngân hàng, quản lý dự án với chi phí hàng chục tỉ đồng.

"Chúng tôi đang phải chi thường xuyên dù không có nguồn thu nào từ dự án và đã phá sản về phương án tài chính, gây lãng phí rất lớn về nguồn lực, ảnh hưởng tâm lý rất lớn.

Doanh nghiệp chỉ biết chờ đợi, dù đã có chỉ đạo từ phía Chính phủ nhưng vẫn chưa có một hướng đi rõ ràng", ông Nam mong muốn sớm đi vào vận hành dự án, trước hết ghi nhận sản lượng lên lưới trong khi chờ cơ chế.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho hay có tới 1/3 dự án điện gió (trên tổng số đã đăng ký) không thể về đích khi Quyết định 39/2018 đã hết hiệu lực.

Nhiều tháng nay, cơ quan nhà nước cũng không có cơ chế chuyển tiếp hay định hướng rõ ràng, khiến cho các nhà đầu tư… chán nản. Trong khi đó, cơ chế giá FIT cũ có thể sẽ không được áp dụng, mà thay bằng cơ chế mới, nhưng cái khó của nhà đầu tư là dự án được tính toán theo cơ chế giá cũ, nên thiệt hại là "vô cùng lớn". Bởi theo ông Thịnh, đa phần các dự án đều phải vay vốn ngân hàng, phải chịu sức ép trả lãi và gốc nhưng nhiều tháng không có doanh thu nên rất khó khăn.

Ông Thịnh cũng cho rằng, thực tế này gây ra sự lãng phí rất lớn khi những dự án đã gần hoàn thành thì phải "đắp chiếu". Chính sách thì quá ngắn hạn trong khi đầu tư cần có cơ chế dài hơi hơn, khi đằng sau doanh nghiệp là ngân hàng, hệ thống chuỗi cung ứng, người lao động, nguồn lực của cải đang không được đưa vào phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.

Vướng mắc từ quy định bất cập, thiếu nhất quán ? 

Theo một số chủ đầu tư, các quy định tại quyết định, thông tư nêu trên hiện không còn phù hợp với thực tiễn, thậm chí còn thiếu nhất quán với các quy định khác do Bộ Công Thương đưa ra. Tình trạng văn bản pháp quy chồng chéo, mâu thuẫn là trái tinh thần pháp luật như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội: "Phải tiếp tục đổi mới để tránh tình trạng luật khung, luật ống, nhất là tránh việc quy định cứng, chi tiết trong luật, dẫn đến bất cập trong cuộc sống".

Dự án điện gió Nhơn Hội gồm 12 tuabin (được chia thành hai giai đoạn), hiện mới chỉ một nửa được đưa vào vận hành thương mại khiến chủ đầu tư chịu nhiều thiệt hại.

Trong trường hợp này, Bộ Công Thương dẫn ra các yêu cầu để công nhận COD cho các nhà máy điện gió là phải đáp ứng các điều kiện như thử nghiệm kỹ thuật, có giấy phép hoạt động điện lực… Tuy nhiên, chủ đầu tư các dự án trên cho rằng, quy định trên là bất cập và thiếu nhất quán với những văn bản khác.

Cụ thể, tại Quyết định số 25/2019 về ban hành quy trình thử nghiệm và giám sát thử nghiệm do Bộ Công Thương ban hành, đã quy định với các nhà máy điện gió, nếu trong thời gian thử nghiệm, nguồn năng lượng sơ cấp không đạt, thì được phép thử nghiệm đến mức công suất tối đa theo sự sẵn sàng của nguồn năng lượng sơ cấp.

Quy trình này cũng quy định: việc chạy thử, nghiệm thu là quá trình thực hiện các thử nghiệm sau ngày đóng điện lần đầu để đo đạc, kiểm tra và chuẩn xác thông số vận hành, đặc tính kỹ thuật của thiết bị điện. Vì vậy, việc thử nghiệm có thể tiến hành khi nguồn năng lượng sơ cấp sẵn sàng, nhưng không quá 1 năm kể từ ngày đóng điện lần đầu.

Nhưng trong Quyết định số 39 và Thông tư số 02 lại quy định "cứng" về thử nghiệm kỹ thuật mà không tính đến các yếu tố bất lợi, khách quan như thời tiết. Do đó, doanh nghiệp cho rằng, việc quy định cứng nhắc các yêu cầu này trước ngày vận hành thương mại là không hợp lý.

Cũng bởi quá trình thử nghiệm với dự án năng lượng tái tạo luôn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng sơ cấp, nên nếu quy định quá cứng, hoặc hướng dẫn không rõ ràng, thiếu nhất quán như trên, có thể làm giảm tính minh bạch của pháp luật, tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Chưa kể, theo một nhà đầu tư, trong hợp đồng mua bán điện (PPA) do EVN đưa ra, các quy định về điều kiện công nhận ngày vận hành thương mại điện mặt trời cũng đã được cắt giảm từ 9 thử nghiệm còn 3 thử nghiệm so với Quyết định số 25 mà không có cơ sở.

Do vậy, trong các đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, chủ đầu tư 4 dự án trên không những đề xuất công nhận COD cho các dự án vào ngày 31/10/2021, mà còn đề nghị EVN và Bộ Công Thương sửa đổi các điều kiện công nhận COD để phù hợp với thực tế, tránh những lý do khách quan, không nhất quán giữa các luật.

Kiến nghị sớm đưa dự án vào vận hành thương mại

Trong văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi Bộ Công Thương, đã chuyển nội dung kiến nghị liên quan đến ngày vận hành thương mại của Nhà máy điện gió Nhơn Hội, đề nghị xem xét giải quyết theo quy định.

Cũng tại tổng hợp ý kiến, kiến nghị tại kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XV) của UBND tỉnh Bình Định gửi Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nêu thực trạng dự án điện gió Nhơn Hội không thể đi vào vận hành thương mại do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và mưa lớn kéo dài trên địa bàn, ảnh hưởng tiến độ thi công dự án, thực hiện các thử nghiệm kỹ thuật. Việc dự án không thể đi vào vận hành đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, bất ổn tranh chấp, kiện tụng và có nguy cơ phá sản. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị sớm đưa dự án vào vận hành phát điện thương mại, phát huy hiệu quả đầu tư, đóng góp ngân sách và giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương, tránh lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.

PV

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文