Những thách thức xuất khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc
Hiện nay, sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam đạt khoảng trên 130 – 150 tấn/năm. Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, yến sào của Việt Nam còn được thị trường xuất khẩu (XK) đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, tình hình chăn nuôi chim yến trong nước còn nhiều vấn đề bất cập cần được tháo gỡ. Ngày 16/2, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị để đánh giá tình hình chăn nuôi chim yến và xây dựng dữ liệu nhà nuôi chim yến để phục vụ xuất khẩu (XK).
Cả nước có 42/63 tỉnh, thành nuôi chim yến và số lượng nhà yến trên toàn quốc tăng rõ rệt trong những năm qua. Nếu như năm 2017, cả nước chỉ có hơn 8.000 nhà yến thì đến năm 2021 có đến 22.363 nhà nuôi yến, và năm 2022 tăng lên 23.665 nhà yến. Các tỉnh phía Bắc nuôi ít (chỉ chiếm 0,85%) do khí hậu lạnh về mùa đông không phù hợp nuôi chim yến. Nhiều nhất là ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL).
Tuy nhiên, việc nuôi chim yến vẫn còn nhiều bất cập như: Cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư (trên 90%), nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân. Một số tỉnh người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư trong khi chi phí đầu tư từ 1-6 tỷ đồng/nhà yến như Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh…
Thực tế cũng đã xảy ra, có một số tổ chức, cá nhân đi các tỉnh tư vấn xây dựng nhà yến, chủ yếu mục đích là thu tiền tư vấn, bán vật tư làm nhà yến, mà không quan tâm đến hậu xây nhà yến có yến đến ở không. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho người dân và ảnh hưởng lớn đến quản lý ngành. Ngoài ra, các cơ sở nuôi yến chưa kê khai thực về diện tích nhà yến, sản lượng tổ yến… nên gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Từ cuối 2019 việc xây mới nhà nuôi yến, cơi nới trên nhà ở phát triển tràn lan, tự phát, việc xây nhà ở sau đó chuyển thành nhà nuôi yến, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khó kiểm soát làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự ở địa phương.
Yến sào Việt Nam đang được đánh giá cao tại thị trường Trung Quốc và đây là thị trường rất tiềm năng. Ông Vũ Cường – Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), thị trường yến sào thế giới ước khoảng 5 tỷ USD với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn. Trung Quốc là thị trường NK yến sào lớn nhất thế giới (chiếm 82% thị phần). Hàng năm Trung Quốc NK trên 2.000 tấn. Việt Nam đứng cuối về sản lượng trong 4 nước được XK chính ngạch yến sào vào Trung Quốc với 120 tấn, sau Indonesia (khoảng 1.600 tấn), Malaysia (590 tấn), Thái Lan (390 tấn). Ngoài ra, còn nhiều quốc gia chưa XK chính ngạch vào Trung Quốc như: Philippines, Campuchia, Myanmar.
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh hệ quả dẫn đến giảm đàn yến do các nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất là thu hoạch không đúng cách, khai thác quá mức. Vì vậy cơ quan quản lý cần sớm ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy trình khai thác, quy trình xây nhà yến… Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: Phá vỡ môi trường sinh thái của yến đảo và tính đa dạng của thức ăn (côn trùng), sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng giảm.
Ông Cường cho rằng, để XK bền vững thì chúng ta phải tuân thủ chặt Nghị định thư, vì đã có bài học kinh nghiệm trong thực tế. Tháng 8/2011 Trung Quốc tạm dừng NK yến sào từ Malaysia và Indonesia do phát hiện dư lượng Nitrit, chì và Arsenic vượt quá mức cho phép. Chúng ta phải giữ vững chất lượng, bởi chất lượng chính là thương hiệu.
Thị trường Trung Quốc đánh giá cao chất lượng yến Việt Nam hơn một số thị trường khác XK vào Trung Quốc. Đã có thương hiệu quốc gia thì phải duy trì. Yến sào là mặt hàng có giá trị cao nên hàng giả, gian lận xuất xứ cũng đã xảy ra. Hàng giả phần lớn là làm từ mủ trôm. DN cũng cần chú ý vấn đề này. Ngoài ra, DN XK cần tìm hiểu thị hiếu NTD để phát triển sản phẩm của mình về hình thức, mẫu mã bao bì… nâng cao giá trị gia tăng thông qua sản phẩm chế biến, chế biến sâu.
Để phát triển ngành yến bền vững, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, có 3 điều kiện cần, đó là: Tổ chức sản xuất và quản lý yến theo chuỗi giá trị; Phải gắn mã định danh và thực hiện truy xuất nguồn gốc; Phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn đối với cơ sở nuôi yến, đối với sản phẩm tổ yến. Bên cạnh đó, phải có 3 điều kiện đủ: Phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm tổ yến; Cam kết mạnh mẽ và hợp tác với DN chế biến, XK tổ yến với người nuôi chim yến; Phải có sự ủng hộ vào cuộc của cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, nhằm thúc đẩy để XK chính ngạch. “XK là quan trọng, nhưng tiêu dùng của người dân trong nội địa còn quan trọng hơn. Vì vậy, chất lượng hàng XK thế nào thì nội địa cũng như vậy”, ông Thắng khẳng định.