Nỗ lực chuẩn bị kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành
Cùng với việc chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), nhiều nội dung sẽ được đồng loạt triển khai nhằm triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Khởi động lại thị trường du lịch quốc tế
Ngày 10/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chính thức gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Việc triển khai đón khách quốc tế đến Phú Quốc là một trong những "cánh cửa" mở ra cơ hội cho ngành du lịch tái phục hồi sau một thời gian dài liêu xiêu vì dịch bệnh COVID-19.
Theo đề xuất của Bộ VHTTDL, thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc triển khai trong 6 tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 10 và chỉ giới hạn một số khu, điểm trên địa bàn TP Phú Quốc. 3 tháng đầu tiên sẽ đón từ 3.000-5.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê chuyến, triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Nếu kết quả giai đoạn 1 đảm bảo yêu cầu, 3 tháng tiếp theo sẽ mở rộng quy mô đón từ 5.000- 10.000 khách/tháng, có thể đón khách thông qua các chuyến bay quốc tế thường lệ và mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, khách đến Phú Quốc vào thời gian này phải thông qua chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức và phải đáp ứng một số yêu cầu khác. Cụ thể, du khách phải tiêm đủ liều vaccine theo quy định, có giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (bằng tiếng Anh) với kết quả âm tính.
Khách phải có hợp đồng bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch theo quy định. Trẻ em dưới 12 tuổi được phép đi cùng cha mẹ, hoặc người giám hộ đã được tiêm chủng đầy đủ. Các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chí nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho du khách, người lao động trực tiếp tham gia đón khách vừa đảm bảo cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng…
Một trong những yêu cầu được quan tâm hàng đầu khi thực hiện thí điểm đón khách vào tháng 10 là ít nhất 70% dân cư và người lao động tại TP Phú Quốc từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ được tiêm để đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng. Yêu cầu về tỷ lệ người được tiêm vaccine cũng đang là một trong những điểm nghẽn cần được tháo gỡ kịp thời khi triển khai kế hoạch nói trên. Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc thông tin tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Kiên Giang về Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc thì hiện nay, Phú Quốc mới chỉ tiêm cho 35% người dân từ 18 tuổi trở lên và cần 250.000- 300.000 liều vaccine cho người dân và người lao động. Nếu có vaccine, việc tiêm chỉ trong vòng 15-20 ngày là có thể hoàn thành và sẽ đảm bảo tháng 10 bắt đầu đón khách. Nếu không đủ vaccine, việc đón khách có thể gặp khó khăn
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch cũng cho rằng, việc mở lại thị trường quốc tế sớm là hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp nhưng nên thành lập Tổ công tác về việc mở lại thị trường quốc tế để tư vấn về chính sách, thể chế, đảm bảo hoạt động an toàn; tổ chức thực hiện; thị trường, tiếp thị; hỗ trợ kết nối, tiếp cận các mô hình trên thế giới…
Triển khai kịp thời nhiều chính sách kích cầu
Trao đổi tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Kiên Giang về Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ sẽ cùng tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ phân bổ riêng gói vaccine cho Phú Quốc và phải đạt 90% dân số Phú Quốc được tiêm vaccine mới yên tâm mở lại thị trường quốc tế. Việc ứng dụng công nghệ để phục vụ việc đón khách, mở cửa thị trường sẽ đồng thời được đẩy mạnh. Bộ cũng thống nhất thành lập một Tổ công tác tư vấn và giám sát việc mở lại thị trường du lịch do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt là Tổ trưởng. Tất cả phải sẵn sàng và thống nhất, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và khách du lịch, khẳng định hình ảnh điểm đến Việt Nam.
Được biết, hiện nay, nhiều nội dung khác cũng đang được ngành VHTTDL tích cực chuẩn bị nhằm kích cầu lại hoạt động du lịch, lữ hành vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Theo kế hoạch, nếu thí điểm đón khách đến Phú Quốc thành công sẽ mở rộng đón khách tại nhiều điểm đến khác như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt... Hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường. Các chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn" sẽ được triển khai.
Chuyển đổi số trong ngành du lịch được đẩy mạnh với việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm, cơ sở dịch vụ du lịch; nâng cấp ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn", hệ thống đăng ký và khai báo an toàn www.safe.tourism.com.vn, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine www.travelpass.tourism.vn.
Với doanh nghiệp, Bộ sẽ đề xuất triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với hoạt động khôi phục kinh doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của Chính phủ và có các đề xuất về xuất miễn, giảm thuế đối với các khoản chi phí kích cầu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch…