Phong phú trái cây miền Tây Nam Bộ cung ứng thị trường Tết
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, các nhà vườn đang chuẩn bị hơn 80.000 tấn trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2024.
Nhiều loại trái ngon, đặc sản của địa phương cung ứng cho thị trường cuối năm gồm: xoài với sản lượng khoảng 1.000 tấn; thanh long khoảng 38.000 tấn; bưởi da xanh khoảng 17.500 tấn; vú sữa sản lượng khoảng 700 tấn; mãng cầu xiêm sản lượng khoảng 850 tấn... Bên cạnh đó, nhà vườn còn có nhiều loại trái cây khác như khóm, đu đủ, quýt, mận…
Xoài cát Hoà Lộc là đặc sản nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và trồng nhiều ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Ông Lê Văn Tâm (ngụ xã Hoà Hưng, huyện Cái Bè), phấn khởi: “Tôi đã xử lý xoài ra hoa từ tháng 9 âm lịch. Tình hình thời tiết năm nay rất khắc nghiệt, mưa nhiều vào thời điểm xoài ra hoa nên tỷ lệ đậu trái thấp, ảnh hưởng nhiều đến sản lượng trái. Tuy nhiên, thông thường dịp Tết, xoài cát Hoà Lộc có giá bán rất cao, từ 70.000-100.000 đồng/kg tại vườn. Dịp Tết này, tôi có khoảng 1 tấn trái bán”.
Bưởi da xanh, bưởi Năm Roi là một trong những loại trái được sử dụng phổ biến để trưng trong ngày Tết. Vì vậy, vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 6, các nhà vườn bắt đầu chăm sóc cây cho trái. Không chỉ theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng của cây, nhà vườn phải có kỹ thuật trồng để trái đạt trọng lượng, da đẹp mới bán được giá.
Ông Bùi Văn Năm (ngụ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), nói: “Trồng bưởi Tết phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đây là mùa mà nhiều loại côn trùng gây hại trên cây như: ruồi vàng, sâu đục vỏ bưởi, bệnh ghẻ, loét.. làm hư hại trái và giảm giá thành sản phẩm nên dễ gặp nhiều rủi ro. Nếu không chăm sóc kỹ thì trái không đạt. 2 năm nay, giá bán bưởi Năm Roi vụ Tết không cao do kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, tôi vẫn chăm sóc vườn để có trái phục vụ nhu cầu Tết”.
Na (mãng cầu) là một loại trái cây không thể thiếu trên mâm ngũ quả: cầu - dừa (vừa) - đủ - xoài (xài). Chính vì vậy, loại trái cây này luôn hút hàng mỗi khi Tết đến. Anh Bùi Văn Mạnh (ngụ phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có 5 công đất (1.000m2 đất/công) trồng na Thái và dự kiến 10 ngày nữa thu hoạch. Hiện nay, trái phát triển đồng đều, đẹp mắt, nặng từ 300 - 350 gram. “Thương lái đã chốt giá 52.000 đồng/kg tại vườn, sau khi trừ chi phí, tôi lãi trên 100 triệu đồng. Giống na Thái trái to, ngọt thanh, dai, ít hạt, thịt nhiều, ăn đến đâu mát đến đó nên giá bán lúc nào cũng cao hơn giống na truyền thống”, ông Mạnh cho biết.
Còn ông Nguyễn Việt Bằng (ngụ xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) thì đang chăm sóc 300 cây vú sữa Hoàng Kim để bán trong dịp Tết. Ông Bằng dự kiến có khoảng vài tấn trái cung ứng cho thị trường, với giá dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg.
Huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) được mệnh danh là xứ sở quýt hồng bởi thời hoàng kim, nơi đây có hơn 1.000ha trồng quýt hồng. Qua thời gian, bệnh vàng lá, thối rễ tấn công gây hại đã làm thiệt hại lớn và làm giảm diện tích trồng loại cây đặc sản này. Từ thực tế đó, huyện Lai Vung triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng Lai Vung, hiện nay nhiều vườn quýt đã phục hồi và phát triển tốt với tổng diện tích khoảng 300ha. Sản lượng và chất lượng quýt hồng Lai Vung ngày càng nâng lên.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, vụ quýt Tết năm nay, toàn huyện có trên 200ha quýt hồng đang cho trái, ước sản lượng đạt trên 4.000 tấn trái, tăng từ 10-15% so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho thấy cây quýt hồng đang trong quá trình khôi phục và phát triển trở lại. Thời điểm này, nhiều nhà vườn đã mở cửa đón khách vào tham quan, dã ngoại, vừa phát triển kinh tế và góp phần quảng bá đặc sản quýt hồng. Năm nay, trên địa bàn huyện có 16 điểm tham quan vườn cây ăn quả trong dịp Tết, tập trung ở các xã Long Hậu, Tân Thành, Hòa Thành và Vĩnh Thới.