Sẵn sàng nguồn lao động cho vùng kinh tế trọng điểm Chân Mây – Lăng Cô

08:14 20/04/2022

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến Khu kinh tế (KKT) Chân Mây – Lăng Cô tìm hiểu, đầu tư. Hiện, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang chủ động kết nối với các đơn vị tuyển dụng, đào tạo nghề nghiệp chuẩn bị sẵn sàng hàng chục ngàn lao động để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN).

Ban quản lý KKT- Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Tập đoàn Itochu, Tập đoàn Yoshida Kaiun (Nhật Bản) vừa đến địa phương để tìm hiểu về việc đầu tư dự án tại KKT Chân Mây - Lăng Cô.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific cho biết, 2 tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản là Itochu và Yoshida Kaiun mong muốn được hợp tác chiến lược với công ty này để tìm hiểu định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên-Huế trong các lĩnh vực về: cảng, logistics và khu công nghiệp phức hợp tại KKT Chân Mây – Lăng Cô.

Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cần một số lượng lớn lao động ngành may mặc trong thời gian tới.

Được biết, Itochu là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại và đầu tư ba bên trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, dệt may, máy móc, kim loại, hóa chất, thực phẩm, địa ốc, công nghệ thông tin-truyền thông và tài chính.

Tập đoàn Itochu có lịch sử phát triển gần 160 năm và là một trong những tập đoàn thương mại tổng hợp hàng đầu của Nhật Bản với khoảng 120 công ty hoạt động ở 63 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Itochu hiện hợp tác với khoảng 100 công ty dệt may của ViệtNam, kinh doanh nhiều mặt hàng, từ nguyên liệu thô đến hàng thời trang...

Còn Yoshida Kaiun cũng là tập đoàn kinh tế lớn đã hoạt động tại Nhật Bản hơn 100 năm. Yoshida Kaiun là một trong những tập đoàn logistics hàng đầu cùng cùng hệ thống 15 công ty con chuyên biệt ở nhiều lĩnh vực như hậu cần, chế tạo, sản xuất…

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn mong muốn có được những nhà đầu tư thương hiệu đầu tư vào đây để tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô theo hướng bền vững, là khu kinh tế động lực quan trọng gắn kết với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Không chỉ có 2 tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản vừa đến KKT Chân Mây – Lăng Cô để tìm hiểu, đầu tư mà từ đầu năm đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đến KKT này để nghiên cứu, đầu tư các dự án.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, đuợc đánh giá là KKT trọng điểm khu vực miền Trung, KKT Chân Mây - Lăng Cô trong những năm qua đã thu hút được nhiều dự án đầu tư. Trong đó, nổi bật đã thu hút một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu đầu tư vào KKT như: Tập đoàn Banyantree, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn SunGroup...

“Hiện, KKT Chân Mây – Lăng Cô hiện có khoảng 50 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 82.000 tỷ đồng, trong đó có 12 DA FDI với tổng vốn đăng ký hơn 56.000 tỷ đồng (chiếm 68,3% tổng vốn đăng ký), tương đương 2,6 tỷ USD. Bên cạnh sự tăng lên về số lượng và quy mô các DA đầu tư, chất lượng các nhà đầu tư có sự thay đổi lớn, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu đã đến đầu tư và hoạt động. Đến nay, có 24 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 26 dự án đang triển khai; tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 13.600 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động”, ông Phan Quốc Sơn cho hay.

Trước thực tế ngày càng có nhiều DN lớn đến tìm hiểu, đầu tư tại KKT Chân Mây – Lăng Cô; tỉnh Thừa Thiên-Huế đang chủ động nghiên cứu, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho KKTT Chân Mây - Lăng Cô, nhất là đối với các dự án lớn, có tính chất động lực, các dự án đầu tư vào hạ tầng KKT.

Đặc biệt, công tác hỗ trợ tuyển dụng lao động cho DN luôn được Ban Quản lý KKT - CN tỉnh xác định là khâu then chốt. Hiện, đơn vị đang từng bước chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tạo việc làm hàng năm và 5 năm, nắm bắt nhu cầu của DN để chủ động kết nối với các đơn vị tuyển dụng, đào tạo nghề nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đề ra. Vì vậy, lao động tại KKT Chân Mây - Lăng Cô tăng cao trong những năm gần đây.

Ngoài giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động hiện có, giai đoạn 2022-2025, KKT Chân Mây - Lăng Cô dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động trong các lĩnh vực: may mặc, sợi, điện tử, lắp ráp ôtô, cơ khí, du lịch dịch vụ… Trong đó, Công ty TNHH Chế xuất Billion Max cần 2.500 lao động; 2 dự án sản xuất, lắp ráp ôtô cần khoảng 6.000 lao động; dự án của Công ty Laguna Việt Nam và Công ty CP Quốc tế Minh Viễn và một số dự án trong lĩnh vực du lịch dịch vụ cần khoảng 3.000 lao động…

Để có đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của KKT Chân Mây – Lăng Cô, hiện Ban quản lý KKT - CN tỉnh tiến hành khảo sát, đánh giá nguồn nhân lực (hiện có và dự báo) trên địa bàn và mở rộng các vùng lân cận, bao gồm nguồn lao động của địa phương đi làm ăn xa có khả năng trở về.

Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đa dạng hóa hình thức tuyển dụng nhân lực, như: tuyển qua nguồn lao động được đào tạo theo chương trình đào tạo nghề nông thôn, qua hợp đồng với các cơ sở đào tạo nghề và các trường đại học. Đồng thời, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cả về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp... nhằm đáp ứng làn sóng đầu tư và chuyển dịch đầu tư mới từ các DN FDI.

Ngoài ra, các trường, cơ sở đào tạo cần liên kết đào tạo nghề theo địa chỉ và các loại hình đào tạo nghề mà DN cần hoặc để cung ứng hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như: du lịch, công nghệ thông tin - truyền thông, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao... Khuyến khích các DN ưu tiên tiếp nhận và đào tạo lao động tại chỗ để giải quyết việc làm cho lao động của các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực đầu tư dự án…

Hải Lan

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文