Sáng 8/9, giá rau xanh đắt gấp đôi ngày thường
Sáng 8/9, dù bão số 3 đã đi qua nhưng các chợ dân sinh thưa thớt cả người bán và người mua. Giá rau xanh đắt gấp đôi ngày thường.
Khảo sát tại các chợ dân sinh của Hà Nội cho thấy, chợ hoạt động bình thường nhưng vắng cả người bán và người mua. Nguyên nhân là do bão số 3 kéo đến từ chiều 7/9 đến đêm, kèm mưa to nên nhiều người bán không nhập hàng; chợ đầu mối ít người bán và mưa to gây thối hỏng, dập nát rau xanh, trong khi nhiều người mua đã tích trữ thực phẩm từ trước.
Tại các chợ, các hàng thịt lợn, thịt bò thưa thớt nhưng giá không tăng. Trong khi đó, giá rau xanh tăng mạnh. Cua đồng 220.000 đồng/kg; mực 150.000 đồng/kg; cá trắm 80.000 đồng/kg; bồ câu 100.000 đồng/con; trứng gà 35.000 đồng/chục. Cùng với đó, giá nhiều loại rau xanh cũng tăng gấp đôi tuỳ loại và theo từng sạp rau tại khu dân cư. Rau muống 15.000 đồng-18.000 đồng/mớ tuỳ loại; mướp 30.000- 35.000 đồng/kg; lặc lày 20.000 đồng/kg; dưa chuột 25.000 đồng/kg.
Chị Thu Hương (Thanh Xuân- Hà Nội) cho biết, một số chợ dân sinh có lác đác tiểu thương đi bán hàng rau xanh, hoa quả, thực phẩm, tuy nhiên, giá rau xanh sáng nay tăng cao hơn.
Chị Thuỷ bán rau tại chợ Cổng (Hà Đông) cho biết, do ảnh hưởng của bão nên không đi lấy hàng được, rau xanh các loại còn từ hôm trước bán hết, tại khu vực chợ này giá vẫn giữ ổn định, nhưng người mua thì thưa thớt, do mưa và người dân đã tích trữ từ trước bão. Về một số loại rau xanh tăng giá, chị cho biết, tại một số điểm ở gần khu dân cư, người bán họ không đi lấy hàng được, họ phải ship về, sau mưa bão không có rau tươi ngon như ngày thường, nên chi phí tăng lên, họ bán đắt hơn.
Anh Quyền (tiểu thương bán thịt lợn- Hà Đông) cho biết, thịt lợn mấy hôm nay nhập lên vài giá nhưng tôi vẫn bán đúng giá như những ngày thường, trời mưa nên người dân đi chợ cũng thưa vắng. Hôm nay, tới trưa mới hết hàng.
Báo cáo của Bộ Công Thương cập nhật đến 9h sáng 8/9 cũng cho thấy, tại Hà Nội, do nhiều cây xanh lớn gãy đổ gây khó khăn chung cho việc di chuyển của các phương tiện trong đó bao gồm các xe vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.
Dự báo, khó khăn này còn tiếp tục trong vài ngày tới do hoàn lưu của cơn bão sẽ gây mưa lớn trong một vài ngày sẽ gây ngập cục bộ tại 1 số địa bàn của thành phố. Dự kiến hoạt động kinh doanh tại một số xã gặp khó khăn.
Hoạt động mua bán hàng hóa chỉ diễn ra tại những khu vực không bị ngập úng trên địa bàn các xã.
Phương án cung ứng hàng cứu trợ (nếu xảy ra) được bàn giao tại địa điểm do UBND các huyện đề xuất, sau đó sử dụng phương tiện chuyên dụng do địa phương bố trí để chuyển tới người dân khu vực bị chia cắt.
Trường hợp cứu trợ khẩn cấp, Sở báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo lực lượng quân đội, công an bố trí phương tiện vận chuyển chuyên dụng, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức cứu trợ.
Hệ thống chợ tại Hà Nội nhìn chung không có thiệt hại lớn về tài sản, một số chợ bị bung, lật một số mái tôn gây dột cục bộ, vỡ kính thủy lực cây đổ cản trở lối vào các chợ, có 2 chợ tại huyện Thanh Trì bị tốc mái. Hiện nay, các chợ đang tích cực khắc phục và thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh chợ. Đa số các chợ đã hoạt động trở lại, hàng hóa đảm bảo phục vụ nhân dân.
Hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ cũng bị bật vách, mái tôn, rơi biển hiệu, pano, vỡ kính, cây xanh đổ gần khu vực cửa hàng và hiện các đơn vị đang tích cực dọn dẹp, khắc phục. Việc vận chuyển hàng hóa đến các đến các điểm bán bị chậm do cây đổ, tình hình giao thông gặp khó khăn.
Dù vậy, cơ bản các điểm bán đã mở cửa bán hàng bình thường, đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân; còn một số các điểm bán hàng bị ảnh hưởng bởi tuyến đường ngập lụt và hoặc có hư hỏng về cơ sở vật chất sẽ hoạt động lại ngay sau khi được khắc phục.
Với hệ thống cửa hàng xăng dầu: Nhiều cửa hàng bị hư hại như: Bong tróc hệ thống quảng cáo, rơi biển hiệu, vỡ cửa kính, tốc mái, đứt, chập dây điện, cây đổ gần vị trí cửa hàng.
Sáng sớm 8/9, các công ty đã thực hiện dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão. Hiện nay, cơ bản các cửa hàng xăng dầu đều đang bán hàng bình thường.
Một số cửa hàng đang tạm dừng bán hàng do: Mất điện lưới, đang chờ cơ quan điện lực xử lý, đang liên hệ cơ quan chức năng để xử lý sự cố đứt đường dây điện, dọn dẹp cây đổ, khắc phục hư hại tốc mái cột bơm, gãy mái hiên tại cửa hàng.
Một số cửa hàng chỉ thanh toán được bằng tiền mặt do mất tín hiệu viễn thông. Các cửa hàng đã chuẩn bị đầy đủ hàng hoá, sẵn sàng để phục vụ nhân dân sau bão.
Tại Quảng Ninh, đến 8h sáng nay, trên địa bàn tỉnh vẫn mất điện, mạng di động, 4G không ổn định; cây xanh đổ nhiều trên các tuyến đường gây cản trở giao thông tại một số tuyến đường.
Các siêu thị/chợ/cây xăng hoạt động bình thường đảm bảo hàng hóa phục vụ tiêu dùng nhân dân trong tỉnh.
Một số chợ bị tốc mái hoặc cây xanh đổ bên ngoài hoạt động thưa thớt; một số cửa hàng xăng dầu bị ảnh hưởng đang khắc phục trước khi hoạt động trở lại
Tại Hải Phòng, tính đến 8h sáng nay, trên địa bàn thành phố vẫn mất điện, mất nước, mạng di động, 4G không ổn định; cây xanh đổ nhiều trên các tuyến đường, một số tuyến đường trong thành phố bị ngập nhẹ, gây cản trở giao thông. Các siêu thị/chợ/cây xăng hoạt động bình thường;
Một số chợ bị tốc mái hoặc bị ngập phía ngoài đường hoặc cây xanh đổ bên ngoài hoạt động thưa thớt; một số cửa hàng xăng dầu bị ảnh hưởng đang khắc phục trước khi hoạt động trở lại.
Tại Bắc Giang, Nam Định, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lai Châu… không xảy ra tình trạng đứt gãy cung cấp hàng hóa thiết yếu, các cửa hàng xăng dầu hoạt động bình thường.
Một số hình ảnh ghi nhận trong sáng 8/9 tại chợ dân sinh.