Sầu riêng xuất khẩu mạnh nhưng không nên tăng trưởng “quá nóng”
Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu (XK) sầu riêng của Việt Nam tăng mạnh, được nhiều thị trường đón nhận, trong đó nổi bật nhất là XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Sầu riêng được kỳ vọng là mặt hàng XK tỷ USD trong năm nay.
Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, sầu riêng Việt Nam được chính thức XK vào Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội cho XK một số loại trái cây giá trị cao vào thị trường quan trọng này. Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), quý I/2023, kim ngạch XK sầu riêng của Việt Nam đã tăng tới hơn 8,3 lần (733,2%) so với cùng kỳ năm ngoái lên 153,5 triệu USD, trong đó, Trung Quốc chiếm đến 87% thị phần với 133,6 triệu USD.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2023, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng từ thị trường Việt Nam với khối lượng 27.374 tấn, kim ngạch 133,4 triệu USD, chiếm 30% về lượng và 26,3% về kim ngạch trong tổng nhập khẩu sầu riêng của nước này. Hiện giá XK sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng khoảng 10% so với thời điểm mới được cấp phép vào thị trường này. Tuy nhiên, giá sầu riêng của Việt Nam XK vào Trung Quốc vẫn đang khá cạnh tranh với bình quân 4.849 USD/tấn trong quý I/2023 so với 5.555 USD/tấn của Thái Lan.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, năm 2023 được dự báo là năm lạc quan với XK ngành hàng rau quả của Việt Nam, trong đó, sầu riêng được kỳ vọng cao. Sầu riêng hiện đã vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách các loại trái cây XK chủ lực của Việt Nam chỉ sau thanh long.
Trước đây, Thái Lan là nguồn cung sầu riêng duy nhất cho thị trường Trung Quốc. Nhưng kể từ tháng 9/2022, Việt Nam là nước thứ hai được cấp phép XK sầu riêng chính ngạch vào thị trường này. Ngoài Thái Lan và Việt Nam, một số thủ phủ sầu riêng khác như Malaysia, Philippines, Campuchia,… đang đẩy mạnh xúc tiến XK sầu riêng vào Trung Quốc. Cùng với đó, Trung Quốc sắp thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên trong nước vào mùa hè này sau hơn 4 năm canh tác. Khoảng 2,45 triệu kg sầu riêng sản xuất ở Hải Nam sẽ được bán vào tháng 6 tới. Điều này sẽ đặt ra những sức ép cạnh tranh cho sầu riêng Việt tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyên, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi vào thị trường Trung Quốc. Đó là, khoảng cách vận chuyển gần. Tại Việt Nam, sau khi thu hái, sầu riêng được vận chuyển lên cửa khẩu phía Bắc và ra đến chợ Trung Quốc chỉ mất 1 ngày rưỡi. Trong khi đó, sầu riêng từ Thái Lan phải mất ít nhất phải 7 - 10 ngày.
Về khẩu vị, người tiêu dùng Trung Quốc thích ăn trái sầu riêng chín mềm. Đây lại là thế mạnh với trái sầu riêng Việt Nam bởi từ lúc ra bông cho đến trái chín là 120 ngày và để XK sang Trung Quốc thì chỉ cần đến ngày thứ 110 là nông dân có thể thu hái, vận chuyển nhanh đến tay người mua khi trái vừa chín tới. Việc quãng đường xa hơn so với Việt Nam đã khiến chi phí vận chuyển, logistics của sầu riêng Thái Lan cao hơn, kéo giá thành mặt hàng này cũng cao hơn. Các lợi thế này giúp giá bán sầu riêng của Việt Nam tốt hơn so với hàng Thái Lan.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc đang tăng mạnh nhưng theo ông Trần Quang Huy, sự tăng trưởng quá nóng về quy mô, diện tích vùng trồng thời gian qua là điều cần phải hết sức thận trọng. Hiện Trung Quốc vừa mở cửa thị trường đối với sầu riêng của Philippin và có thể tới đây là Campuchia. Điều này có nghĩa là sầu riêng Việt Nam nói riêng và các loại trái cây khác sẽ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nếu DN, người nông dân tiếp tục trào lưu mở rộng quy mô vùng trồng mà bỏ qua hoặc không quản lý giám sát được chất lượng, thì nguy cơ nhiều DN, vùng trồng bị tạm dừng hoặc thậm chí là hủy bỏ tư cách XK giống như bài học của DN XK gạo sẽ tái diễn.
Để gia tăng kim ngạch XK sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên cũng kiến nghị cơ quan chức năng đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để cấp phép thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho sầu riêng Việt Nam. Hiện cả nước mới chỉ có 246 mã vùng trồng, 97 mã cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu XK chính ngạch theo Nghị định thư của Trung Quốc. “Với diện tích gần 110.000ha, sản lượng gần 1 triệu tấn/năm, năm nay nếu mã vùng trồng không được cấp thêm sẽ có hiện tượng “thắt cổ chai” trong XK sầu riêng sang Trung Quốc”, ông Nguyên nhấn mạnh.