Tăng cường xử lý vi phạm về thuốc lá điện tử
Từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 57 vụ vi phạm đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, tạm giữ 15.618 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử, phụ kiện và tinh dầu với tổng trị giá hơn 4,8 tỷ đồng. Đã xử phạt với số tiền hơn 795 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Theo Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, tình trạng kinh doanh thuốc lá điện tử diễn ra tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Người kinh doanh thuốc lá điện tử đã chuyển dần hình thức kinh doanh qua online trên các nền tảng mạng xã hội hay các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Người bán dễ dàng lập nhiều tài khoản với danh tính giả, dùng tên miền quốc tế hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát hiện, xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với cơ quan Công an tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh và phát hiện nhiều cơ sở vi phạm.
Ngày 13/3/2024, kiểm tra 2 điểm tại quận 1 và quận Tân Phú, cơ quan chức năng phát hiện 10.266 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và tinh dầu với trị giá hơn 3,7 tỷ đồng. Ngày 16/5/2024, kiểm tra điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại địa chỉ số 710 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, phát hiện đang kinh doanh 76 cái máy hút thuốc lá điện tử có kèm tinh dầu hiệu Vapmod do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ với tổng giá trị là 21,2 triệu đồng…
Tình trạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng xâm nhập vào các trường học đang là vấn đề đáng lo ngại. Do đó, bên cạnh công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý, Cục Quản lý thị trường và cơ quan Công an cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới đông đảo đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá điện tử.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; trong đó, có 27 ca nhập viện là người dưới 16 tuổi.
Theo kết quả sơ bộ nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023 của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Đặc biệt, ở nhóm trẻ từ 13 - 15 tuổi, tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023; trong đó, học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Mạng Internet là nơi có tỷ lệ học sinh mua thuốc lá điện tử nhiều nhất (chiếm 22,1%), kênh quảng cáo thuốc lá điện tử nhiều nhất cũng là mạng xã hội.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện và rất có hại cho sức khoẻ của cả người hút và những người xung quanh; là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotine, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Sử dụng thuốc lá điện tử gây tổn thương phổi cấp tính và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ… Đặc biệt, còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để rà soát, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm; tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép mặt hàng thuốc lá thế hệ mới. Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền.
Tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra chiều 30/11 vừa qua, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
Theo đó, từ năm 2025, hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù. Đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tiền cao nhất tới 9 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.