Tăng thu ngân sách, giảm tình trạng chuyển giá khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

07:12 03/08/2023

Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo một bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Đề cương dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Theo đó, thuế suất tối thiểu toàn cầu là sáng kiến của Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Tăng thu ngân sách, giảm tình trạng chuyển giá khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu -0
Các doanh nghiệp thu hút đầu tư bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo chính sách này, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất 2 năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở các quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần “thiếu hụt” còn lại so với mức thuế 15% cho quốc gia khác, bao gồm cả nơi họ có trụ sở chính. Xét theo góc độ tích cực, chính sách thuế này được đánh giá là giúp tăng thu thuế cho quốc gia. Tuy nhiên, nó có thể tạo ra các thách thức trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất 2 chính sách là quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và quy định Tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR). Đối với chính sách Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn sẽ áp dụng đối với các đối tượng gồm công ty thành viên hoặc tập hợp các công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu nêu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao có ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tính thuế tương đương 750 triệu EUR trở lên, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, có lợi nhuận tại Việt Nam vượt ngưỡng trong năm tính thuế và có mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn thuế suất tối thiểu trong năm tính thuế.

Các trường hợp loại trừ, gồm: Các tổ chức của chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao, tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao, hoặc tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các các đối tượng vừa nêu theo quy định của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, nếu Việt Nam áp dụng quy định về Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn thì sẽ thu thêm thuế TNDN bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế TNDN tại Việt Nam với số thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu (15%) và sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước về thuế TNDN từ những đối tượng này.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là quốc gia nhập khẩu vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%. Theo rà soát của Tổng cục Thuế thì hiện có 619 tập đoàn đa quốc gia (khoảng 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam) có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu EUR trở lên, trong đó có 438 tập đoàn có một công ty thành viên tại Việt Nam và 181 tập đoàn có nhiều công ty thành viên tại Việt Nam (576 công ty thành viên).

Theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn trong số trên chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu nếu thuế này được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia khác đều áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024 mà Việt Nam không áp dụng thì các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.600 tỷ đồng (Hàn Quốc hơn 10.700 tỷ đồng; Nhật Bản hơn 250 tỷ đồng; các quốc gia còn lại hơn 3.560 tỷ đồng…).

Đối với Chính sách quy định Tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR), nếu Việt Nam áp dụng đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (có doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu EUR…) cũng có thể góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Nghị quyết của Quốc hội sẽ giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung. Đồng thời sẽ giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Việc các nước ban hành các chính sách ưu đãi thuế TNDN để thu hút đầu tư nước ngoài khiến cho hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận diễn ra ngày càng phức tạp.

Các doanh nghiệp đã lợi dụng các cơ hội để chuyển lợi nhuận từ nước có thuế suất cao sang nước có thuế suất thấp hơn, từ đó xảy ra tình trạng thất thu thuế. Do đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo một bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế.

Riêng về bài toán thu hút đầu tư, Bộ Tài chính cũng như các chuyên gia xác định không có cách nào khác, cả về trước mắt và dài hạn muốn thu hút đầu tư phải có môi trường kinh doanh cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác. Các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh cần phải triển khai quyết liệt hơn nữa, bãi bỏ, đơn giản hoá thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh sẽ giúp chi phí gánh nặng về thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật được giảm bớt, minh bạch hơn, nhanh hơn và ít rủi ro…

Hà An

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn ra khá khó khăn và mất nhiều thời gian, trong khi Tổng thống Ukraine tiếp tục đưa ra tuyên bố mới về cơ hội đàm phán với Moscow.

Giữa khung cảnh rực rỡ của mùa Xuân Washington, Hội nghị mùa Xuân 2025 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) không mang theo sắc màu tươi sáng như thường lệ. Những cuộc tranh luận về thương mại, nợ công, tài chính khí hậu và vai trò của Mỹ trong các định chế đa phương đang phơi bày một thế giới đầy bất ổn và chia rẽ. Trong bức tranh ấy, IMF và WB đứng trước một phép thử lớn: Không chỉ về năng lực thích ứng, mà còn về khả năng gìn giữ lòng tin giữa các quốc gia.

Tối 22/4, TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần 2 để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025).

Khu vực miền Trung hôm nay được dự báo nền nhiệt cao nhất cả nước ở mức 37-38 độ C, trời nắng gắt oi bức. Thủ đô Hà Nội trời nóng với mức nhiệt 35 độ C, chiều tối khả năng có mưa.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 150ha rừng. Số các vụ cháy trong 3 tháng qua đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024 và được đánh giá là nghiêm trọng, bất thường nhất trong 13 năm trở lại đây. Đáng lo ngại, hầu hết các vụ cháy rừng đều có nguyên nhân từ sự chủ quan của con người.

Sau một ngày xét xử vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Gây rối trật tự công cộng” khiến một cô gái dừng đèn đỏ bị tử vong, chiều 22/4, TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra phán quyết đối với 24 bị cáo. Bị cáo Nguyễn Hồng Nhung (SN 2005, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, 18 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tổng hợp hình phạt, Nhung phải thi hành 8 năm 6 tháng tù.

Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán để công bố thông tin, sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty CP phục vụ mặt đất Sài Gòn đã cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất trọn gói cho Công ty CP hàng không Vietjet tại sân bay Tân Sơn Nhất…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.