Tăng thu nhập cho nông dân từ phụ phẩm
Một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị "bỏ quên" nhưng đây là nguồn nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam (VIRI), ngành trồng trọt ở nước ta có khối lượng phế phụ phẩm rất lớn. Trong đó, phụ phẩm sau thu hoạch từ lúa là rơm chiếm khối lượng lớn 42,8 triệu tấn, thân cây bắp 10 triệu tấn, rau quả 3,6 triệu tấn… Thực trạng sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt (vỏ đậu phộng, thân bắp, rơm lúa, thân cây mì, củi…) được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực chăn nuôi thì phụ phẩm có khoảng 61 triệu tấn (phân gia súc, gia cầm chưa kể đến phụ phẩm sau giết mổ gia súc). Lâm nghiệp khoảng trên 5,5 triệu tấn (từ mùn cưa trong quá trình chế biến và vỏ cây sau thu hoạch). Lĩnh vực thủy sản khoảng trên 1 triệu tấn từ quá trình chế biến.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, tỷ lệ sử dụng rơm chỉ 56,3% (cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây...). Hiện nay vẫn còn một số nơi, sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân có thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng vừa gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
TS Trịnh Quang Khương (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết: Hiện nay, sau các mùa thu hoạch lúa tại ĐBSCL thì nông dân có thói quen gom rơm để bán cho các nơi làm nấm rơm, hoặc bán cho các cơ sở chăn nuôi gia súc, làm vườn. Vụ đông xuân năm 2021, tỉnh Đồng Tháp, An Giang giá bán rơm khoảng từ 55.000-75.000 đồng/1.000m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg. Nếu vận chuyển xa hơn thì rơm có giá khoảng 2.083 đồng/kg. Như vậy, người nông dân trồng lúa, ngoài thu lúa thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm nếu đem bán.
Việt Nam là 1 trong 5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, nguồn nguyên liệu chủ yếu tập trung tại ĐBSCL. Nhưng chỉ 55-65% của con tôm được sử dụng, còn phụ phẩm tôm chiếm 35-45% trọng lượng con tôm. Phụ phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể ứng dụng cho nhiều ngành: đầu và vỏ tôm chứa tới 45% protein, 22% khoáng, 17% chitin, 8% lipid... Từ đầu và vỏ tôm có thể chiết xuất được nhiều nguyên liệu cơ bản như nguyên liệu thực phẩm (dầu tôm, nước mắm tôm...), polymer sinh học (chitin, chitosan...) và nhiều chất dinh dưỡng khác (peptide, khoáng, astaxanthin...).
PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đánh giá hiệu quả khai thác xử lý phụ phẩm nông lâm thủy sản tại Việt Nam là chưa cao. Năm 2020, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD. Nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD…
Từ năm 2016, anh Nguyễn Hữu Huy Hào (ngụ Cà Mau, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý môi trường Nguyễn Trần) nhận thấy nước thải của các công ty chế biến tôm (gồm đầu, vỏ, chỉ tôm…) sau khi được xử lý và thải ra môi trường vẫn còn lượng bùn thải lắng đọng nên cùng một người bạn đã nghiên cứu biến lượng bùn thải này thành đất sạch.
"Lượng bùn thải này nếu qua xử lý thành đất trồng hoàn toàn chứa chất dinh dưỡng là hữu cơ. Ngoài việc giúp tăng trưởng tốt cho cây trồng, đất làm từ bùn thải còn giúp khôi phục dinh dưỡng cho những vùng đất bạc màu, rất thân thiện với môi trường", anh Hào phân tích. Hiện nay, sản phẩm đất sạch của công ty anh Hào được thị trường đón nhận.