Tăng tốc đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn
Trong mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) dự kiến mở thêm các ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề trong bối cảnh hiện nay. Một trong số ngành học mới được nhiều trường dự kiến mở thêm trong mùa tuyển sinh năm nay nhằm "đón đầu" nhu cầu thị trường và có thể đáp ứng "cơn khát" nhân lực là ngành công nghiệp vi mạch hay còn gọi là ngành công nghiệp bán dẫn.
"Khát" nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa thông báo, mùa tuyển sinh năm 2024, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Căn cứ để nhà trường tuyển sinh đào tạo ngành này là dựa trên nền tảng sẵn có về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên chương trình ngành gần là Vật lý kỹ thuật - điện tử.
Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này. Năm 2024, Trường ĐH Phenikaa cũng dự kiến tăng thêm 7 ngành, chương trình đào tạo so với năm 2023, trong số này có ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Tương tự, Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng dự kiến mở thêm một số chuyên ngành, trong đó có ngành Điện tử viễn thông, chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến sẽ tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ bán dẫn theo chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, bảo đảm kiến thức và kỹ năng theo nhu cầu của doanh nghiệp từ năm học 2024-2025. Theo GS.TS Đặng Lương Mô, cố vấn ĐHQG TP Hồ Chí Minh, nhà trường đang xây dựng Phòng thí nghiệm Công nghệ bán dẫn và nano quang tử với tổng kinh phí khoảng 260 tỷ đồng nhằm đào tạo, nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các linh kiện bán dẫn có cấu trúc MEMS, tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn. Ngoài ra, nhà trường đẩy mạnh tăng cường hợp tác, thu hút nhân lực trình độ cao tốt nghiệp từ nước ngoài đúng chuyên môn cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn…
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Dự báo trong 5 năm tới, mỗi năm cần khoảng 20.000 và 10 năm tới mỗi năm cần khoảng 50.000 nhân lực có trình độ ĐH trở lên. Còn theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Việt Nam hiện có hơn 5.570 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.
Nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh với trên 85%, tại Hà Nội khoảng 8% và Đà Nẵng khoảng 7%. Mỗi năm chỉ có khoảng 500 - 600 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các trường ĐH của Việt Nam. Số liệu từ Bộ TT&TT cũng cho thấy, nhu cầu nhân lực CNTT, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Chủ động đi trước, tránh tình trạng "giật gấu vá vai"
Tại Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam" do Bộ GD&ĐT tổ chức vào cuối năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, các báo cáo từ quốc tế đều cho thấy, Việt Nam đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong việc thiết kế, sản xuất chip, vi mạch. Nếu không khẩn trương có giải pháp, nhân lực ngành bán dẫn sẽ lâm vào cảnh "giật gấu vá vai", không theo kịp sự phát triển của ngành.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam. Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9/2023 vừa qua, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… đã được mở toang, nhưng thực tế triển khai lại đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có. Tuy nhiên, người học và các cơ sở đào tạo thường ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường ĐH lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay nhưng thực tế số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.
"Vòng quẩn này chính là điểm nghẽn lớn, bên cạnh sự định hướng rõ nét, nguồn lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục ĐH, kết hợp cùng các tập đoàn doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước, từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động và tạo vòng hồi tiếp để thu hút người học, gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thu hút đầu tư"-Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
Trong đó sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức, đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho ngay những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới 2030. Trên cơ sở này, cùng thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, làm rõ những gì các trường cần chủ động triển khai và phối hợp triển khai, những gì Bộ GD&ĐT cần làm, những gì cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành địa phương.