Thị trường lao động nhiều điểm sáng

06:45 29/07/2024

Theo con số của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính riêng trong tháng 7, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 20.839 lao động. Tính chung 7 tháng đầu năm, số lao động được giải quyết việc làm là 145.813 người.

Không chỉ số lao động được giải quyết việc làm tăng cao mà triển vọng về thị trường lao động thời gian tới cũng sẽ có nhiều tích cực. Trong đó về tuyển dụng một số ngành như: Bán buôn, bán lẻ; khoa học công nghệ; chế biến - chế tạo; du lịch - dịch vụ… sẽ tăng mạnh.

Việc làm chuyển biến tích cực

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, trong tháng 7, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm với 615 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 11.350 người. Tổng số lao động được phỏng vấn là 4.294 lao động. Số lao động được tuyển dụng tại phiên là 1.663 lao động. Cùng với đó, số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 14.798 lao động.

Các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua đã hỗ trợ rất nhiều người lao động giải quyết việc làm.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, tạo thời cơ tốt cho các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vì thế cũng tích cực tuyển dụng lao động nhằm phục vụ cho việc sản xuất đơn hàng mới, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đưa các dự án trọng điểm đi vào hoạt động. Từ đó thúc đẩy sự phục hồi của thị trường lao động là thời điểm các doanh nghiệp tập trung vào ổn định hoạt động.

“Bên cạnh đó, các sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí, kích cầu được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội cho người dân chi tiêu nhiều hơn. Tiêu dùng gia tăng là yếu tố quan trọng thúc đẩy, kích cầu nền kinh tế, nhất là ở các nhóm ngành như thương mại điện tử, du lịch, vận tải, lưu trú ăn uống…”, ông Nam nhận định.

Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, để hỗ trợ phát triển thị trường lao động, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện các giải pháp kết nối việc làm, cung cấp đầy đủ các dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tìm kiếm nhân sự, tìm kiếm việc làm.

“Trung tâm sẽ hình thành mạng lưới thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới cơ sở, đặc biệt là sẽ tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kết nối cung - cầu lao động. Trung tâm cũng dự kiến tổ chức các phiên giao dịch việc làm đặc thù, gồm phiên chuyên đề theo ngành nghề và đối tượng lao động, phiên dành cho lao động khuyết tật, phiên online với các tỉnh trên toàn quốc, cùng với các phiên lưu động, thông qua đó, tạo thêm nhiều cơ hội kết nối việc làm cho người lao động trên địa bàn Thủ đô”, ông Nam cho biết.

Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Đề xuất ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động.

Người lao động cũng cần thay đổi

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, thời điểm này, thị trường lao động tiếp tục đà hồi phục và phát triển theo hướng bền vững trong bối cảnh nền kinh tế xuất hiện nhiều điểm sáng. Số liệu của Cục Thống kê TP Hà Nội cho thấy, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,3% so với tháng trước và nhỉnh hơn so với cùng thời điểm năm trước. Trong khi đó, về tình hình tuyển dụng, theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng hơn 46 nghìn vị trí.

Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin hơn 6 nghìn việc làm của 1.743 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào các nhóm ngành như: Hoạt động dịch vụ chiếm khoảng 47%; Công nghiệp chế biến chế tạo chiếm khoảng 10%; Giáo dục đào tạo chiếm khoảng 10%. Về vị trí, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là nhân viên dịch vụ và bán hàng chiếm khoảng 40%, tiếp đến là nhân viên trợ lý văn phòng chiếm hơn 18%. Cũng theo khảo sát này, ngành Công nghệ thông tin tại Hà Nội cũng đang trở thành điểm nóng tuyển dụng với sự phát triển của nhiều công ty công nghệ địa phương và quốc tế.

Tuy vậy, theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời điểm này cũng là thời điểm hoạt động tìm việc diễn ra sôi động do hàng loạt sinh viên từ các trường cao đẳng, đại học tốt nghiệp ra trường và bắt đầu tìm kiếm việc làm. Điều này tạo ra cơ hội tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Nhưng theo ông Thành cũng đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh trên thị trường lao động. Trong khi đó, theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhóm lao động cần việc hiện nay chủ yếu là nhóm 15 – 24 tuổi, là những người có ít kinh nghiệm, chưa qua đào tạo, chủ yếu tìm các công việc công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp, nhân viên bán hàng…

“Do đó, để phù hợp với nhu cầu tuyển dụng và tình hình thị trường lao động hiện nay, người lao động có thể cần phải có những thay đổi như kỹ năng kỹ thuật và công nghệ. Bởi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, việc nâng cao kỹ năng kỹ thuật và công nghệ mới là rất quan trọng. Các kỹ năng sống động và sáng tạo cũng cần phải được cải thiện bởi vấn đề này sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc đầy biến động. Khả năng tư duy linh hoạt và đổi mới sẽ giúp người lao động thích ứng với các thách thức mới. Hoặc như kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm cũng sẽ giúp người lao động dễ dàng tìm được công việc phù hợp trong môi trường làm việc đa dạng và đòi hỏi sự hợp tác. Rồi các kỹ năng khác như kỹ năng quản lý thời gian và tự quản lý, kỹ năng tiếng Anh… là những yêu cầu người lao động cần có sự cải thiện khi tìm việc trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay”, ông Thanh đưa lời khuyên.

Phan Hoạt

 Hải Phòng là địa phương đầu tiên của miền Bắc đương đầu với siêu bão, đồng thời là tâm bão với cường độ mạnh nhất. Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 14/9, thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn Hải Phòng ước gần 11.000 tỷ đồng.

Làng Nủ - ngôi làng nhỏ bé, yên bình dưới chân núi Con Voi, với dòng suối Nủi chảy qua, bao quanh là những khu rừng xanh mướt, ngôi làng của người Tày, người Dao sống đoàn kết, gắn bó. Vậy mà, dường như chỉ sau vài cái chớp mắt, chốn bình yên đó đã hóa thành một bãi bùn mênh mông, hoang tàn.

Ngày 19/9, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa hình sự xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc phát hành trái phiếu trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sunny World, Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại TP Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan (Vụ án Vạn Thịnh Phát, giai đoạn 2).

Ngày 15/9, Công an toàn tỉnh Hưng Yên đã huy động lực lượng, tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, khu dân cư; hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Chính phủ Anh và Chính phủ Thuỵ Sĩ tuyên bố hỗ trợ Việt Nam hơn 2 triệu USD để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi). Khoản viện trợ này sẽ cung cấp dưới hình thức nhu yếu phẩm khẩn cấp, hỗ trợ tiền mặt và các dịch vụ quan trọng như y tế, nước sạch, vệ sinh cho những người bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Thuỵ Sĩ còn điều động một nhóm chuyên gia sang Việt Nam để hỗ trợ những công tác này. 

Thực hiện chỉ đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, tối 14/9, tại Thủ đô Hà Nội, Cục Công tác đảng và công tác chính trị đã chỉ đạo Ban Thanh niên CAND phát động và tổ chức cho gần 500 đoàn viên thanh niên thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, phối hợp Công an TP Hà Nội ra quân dọn dẹp, chỉnh trang các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô.

Dự án Luật Dữ liệu là một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文