Thiếu lao động cục bộ đang diễn ra ở nhiều địa phương
Kinh tế có nhiều điểm sáng như hoạt động xuất khẩu hồi phục và tăng trưởng tốt, tiêu dùng và đầu tư cũng tăng… Từ đó, thị trường lao động cũng hồi phục và phát triển theo hướng bền vững. Nhiều ngành nghề được dự báo tuyển dụng tăng như công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch, kinh doanh dịch vụ nhưng thị trường lao động hiện vẫn còn những bất ổn. Theo Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình, tình trạng thiếu lao động cục bộ vẫn xảy ra ở nhiều địa bàn. Mặc dù cung lao động không thiếu nhưng có doanh nghiệp vẫn rất khó tuyển dụng.
Nguồn cung lao động mất cân đối
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, điều này có nghĩa hiện số lao động thất nghiệp gần 1,2 triệu người. Thế nhưng tình trạng doanh nghiệp khó tuyển lao động vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Đơn cử như trong quý 3/2024, theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này có nhu cầu tuyển dụng 37.240 lao động. Trong đó, lĩnh vực điện, điện tử, điện công nghiệp là chủ yếu với trên 34.200 lao động; lĩnh vực may, da giày gần 700 lao động; pin, năng lượng mặt trời 350 lao động…
Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT Việt Nam tuyển dụng 3.500 lao động; Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải tuyển dụng trên 5.000 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn New Wing tuyển dụng 5.000 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Lens Việt Nam tuyển dụng 3.000 lao động… Thu nhập trung bình từ 6 - 12 triệu/tháng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tuyển dụng để đáp ứng các kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
"Khát" lao động là vấn đề đang gặp phải của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (KCN Đình Trám, Bắc Giang), thời gian gần đây liên tục phải tuyển dụng gấp lao động. Quý 3/2024, đơn vị này cần tuyển khoảng 10 nghìn nhân sự mới, cả lao động phổ thông và lao động kỹ thuật cao, thu nhập bình quân từ 9 - 12 triệu đồng/tháng.
"Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự mới để đáp ứng đơn hàng. Do đó, công ty đang phải đẩy mạnh tuyển nhân sự qua các kênh mạng xã hội như Facebook, livestream, tuyển dụng trên TikTok, hợp tác với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang để tuyển nhân sự, đẩy mạnh kênh giới thiệu nội bộ. Về lâu dài, công ty sẽ đẩy mạnh liên kết với các trường đại học để thu hút lao động chất lượng cao, nhất là sinh viên năm 3, năm 4 đủ điều kiện", ông Châu Nghĩa Văn, Phó Tổng giám đốc phụ trách Tập đoàn cho hay.
Kết nối cung - cầu các tỉnh, vùng trọng điểm
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cũng khẳng định, có không ít doanh nghiệp hiện đang khó khăn cả về nhân lực lao động. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Phòng là do hiện nay người lao động có nhiều lựa chọn, cả về khu vực làm việc lẫn lĩnh vực làm việc, cho nên, nếu doanh nghiệp nào có chế độ chính sách cũng như sự quan tâm đến người lao động mà chưa được như mong muốn thì người lao động sẵn sàng xin nghỉ việc ở chỗ này để tìm việc ở chỗ khác. Đó là một xu thế và thực tế khách quan.
"Để "hút" người lao động, doanh nghiệp cần có sự quan tâm đúng mức, cần có nghệ thuật phân công công việc, nghệ thuật giữ chân nhân viên và nghệ thuật quan tâm như thế nào đó để người lao động cảm thấy thỏa mãn, gắn bó với doanh nghiệp", ông Phòng nói và cho rằng, quan trọng hơn, doanh nghiệp phải có chế độ thù lao thỏa đáng về lương thưởng, về bồi dưỡng mẫn cán, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cũng như các điều kiện khác. Việc này cần phải có sự nỗ lực rất lớn của chủ sử dụng người lao động và của chính người lao động. Hai bên cần có sự bàn bạc trao đổi, thỏa thuận, thỏa ước với nhau.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam (đơn vị chuyên cung ứng giải pháp nhân sự) thì nguyên nhân dẫn đến tuyển dụng của doanh nghiệp khó khăn hiện nay là do mong muốn tìm việc của người lao động cũng đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt đối với lao động phổ thông, quan điểm việc làm của rất nhiều người đã thay đổi kể từ sau đại dịch COVID-19.
"Bên cạnh lương và phúc lợi, người lao động giờ đây quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, sức khỏe, sự an toàn hay khả năng cân bằng công việc và cuộc sống gia đình. Trước đây, họ quan tâm nhiều đến việc công ty nào tăng ca nhiều để có thu nhập tốt hơn thì nay có không ít người quan tâm hơn đến số ngày nghỉ mỗi tháng, hay sự tiện lợi khi di chuyển tới chỗ làm", bà Hương cho hay.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, để hạn chế tình trạng trên, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm.
"Chúng tôi đang chỉ đạo hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm toàn quốc kết nối với nhau để đảm bảo kết nối cung - cầu lao động cho phù hợp ở từng địa phương. Tuy nhiên, các địa phương khi thiết kế các phương án thu hút đầu tư cũng phải tính toán đến vấn đề nguồn cung lao động, về thu nhập của người lao động. Còn các doanh nghiệp khi đầu tư cũng phải tính toán đến yếu tố nguồn nhân lực và xem mức lương của mình có đáp ứng được không", Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho hay.