Thương mại điện tử: Kiểm soát hàng giả, hàng nhái bằng cách nào?

09:01 22/01/2022

Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại rất lớn, không chỉ là những con số cụ thể về doanh số bán hàng, mà còn có thể làm mất uy tín, mất thương hiệu của DN nếu không được ngăn chặn kịp thời...

Không khó để mua trên mạng món đồ hàng hiệu từ mỹ phẩm, thời trang, cho đến hàng điện tử, đồ gia dụng…, kể cả những sản phẩm tưởng chừng rất xa xỉ như nước hoa, mỹ phẩm, túi xách cao cấp với mức giá rẻ đến bất ngờ. Trong khi đó, nhiều cuộc kiểm tra, phát hiện bắt giữ nhiều tổng kho hàng lậu, hàng giả, hàng nhái bán qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong thời gian vừa qua cho thấy thủ đoạn của các đối tượng bán hàng rất tinh vi, nhiều thủ đoạn mới để qua mặt người tiêu dùng và lực lượng chức năng.

Thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) cho biết, công tác chống hàng lậu, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) trong năm 2022 tiếp tục là vấn đề nóng nhất nhưng cũng khó khăn nhất của lực lượng QLTT. Trong thời gian qua, nổi lên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: Lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), mỗi ngày có thể chốt hàng trăm đơn hàng.

Tăng cường kiểm tra hàng hoá dịp cuối năm.

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, TMĐT & KTS - Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Tổng cục QLTT cũng như Cục TMĐT&KTS đã phối hợp, triển khai nhiều vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên các sàn.

Qua công tác kiểm tra, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái có nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Đối tượng có thể khởi tạo gian hàng và chỉ chạy trong một đợt, sau đó có những chương trình giảm giá đặc biệt như giá 1.000 đồng, giá 0 đồng... Khi hết chương trình, họ đóng gian hàng và cũng biến mất luôn.

Không chỉ lừa đảo người mua, các đối tượng còn lợi dụng lừa đảo cả đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng như sàn TMĐT và đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát hàng hóa. Hiện nay, các sàn TMĐT khi đăng ký website TMĐT với Bộ Công Thương đều phải có chứng minh thư/căn cước công dân hoặc mã số thuế. Tuy nhiên, số lượng người bán lẻ trên sàn TMĐT sử dụng chứng minh thư/căn cước công dân giả rất nhiều.

“Hiện nay, doanh nghiệp (DN) có website chưa đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương còn chiếm tỉ trọng lớn. Một phần do DN chưa hiểu rõ các quy định, chính sách về TMĐT, hoặc chưa được tư vấn tìm hiểu về các thủ tục đăng ký, khai báo...”, ông Lê Đức Anh chia sẻ.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thanh Hoá cho biết, các đối tượng lợi dụng kinh doanh TMĐT để trục lợi thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này. Các đối tượng tận dụng mọi thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ để kinh doanh các mặt hàng vi phạm và tận dụng công nghệ để lẩn tránh cơ quan chức năng như hành vi xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng. Không những vậy, các đối tượng cũng chuyển hướng kinh doanh, vận chuyển hàng vi phạm qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, hiện các DN rất bức xúc về vấn đề hàng giả buôn bán trên mạng, kể cả các sàn TMĐT uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo. Nhiều trường hợp người tiêu dùng phát hiện rồi báo lại thì DN mới biết sản phẩm của mình bị làm giả. Và khi đã phát hiện thì cũng rất khó truy tìm vì những đối tượng này hễ thấy động là “biến mất”. Theo bà Vũ Kim Hạnh, một trong những yếu tố dẫn tới vấn nạn hàng giả là tình trạng người tiêu dùng không biết hoặc ngần ngại đi thưa kiện và cơ quan chức năng chưa tinh nhạy trong việc theo dõi cũng như ban hành các chế tài hạn chế. Trong năm nay, vấn nạn hàng giả có nhiều yếu tố khiến trở nên nghiêm trọng hơn do kinh doanh online bùng nổ và những khó khăn trong việc phát hiện, cũng như chế tài xử lý hàng giả trên TMĐT.

Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương) cho biết, trung bình mỗi năm, Cục xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại từ người tiêu dùng liên quan đến giao dịch online. Các nội dung phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng chủ yếu liên quan đến việc thông tin cá nhân của khách hàng bị rò rỉ; người bán hàng lừa đảo, bán và giao hàng hóa, sản phẩm không đúng quảng cáo; hay khó tiếp cận đơn vị bán hàng hoặc các kênh tư vấn, hỗ trợ khách hàng của sàn TMĐT trong trường hợp muốn phản ánh khiếu nại và không được giải quyết thoả đáng khi xảy ra tranh chấp…

Công nghệ là yếu tố then chốt để kiểm soát, ngăn chặn

Trước những nguy cơ bùng phát hàng gian, hàng giả, bà Vũ Kim Hạnh kiến nghị, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra các trang mạng, các sàn TMĐT, qua đó vừa xử phạt, vừa truyền thông. Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại rất lớn, không chỉ là những con số cụ thể về doanh số bán hàng, mà còn có thể làm mất uy tín, mất thương hiệu của DN nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Về phía người tiêu dùng, bà Vũ Kim Hạnh khuyến nghị cần chú ý hơn tới yếu tố pháp lý khi mua sắm hàng hóa. Cụ thể, người tiêu dùng nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì sản phẩm. Các DN làm ăn nghiêm túc bị khống chế rất chặt chẽ bởi các quy định về ghi nhãn hàng hóa, nhưng các đối tượng làm hàng giả thì có thể tùy ý ghi nhãn. Nên nếu để ý kỹ, người tiêu dùng sẽ nhận thấy có rất nhiều thông tin lộn xộn, thậm chí là vô lý.

Để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT, ông Lê Đức Anh cho biết, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đang đề xuất phương án và đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Bộ Công an), nhằm hợp tác triển khai ứng dụng liên quan đến công nghệ để có thể định danh một chủ thể khi tham gia bán hàng trên sàn TMĐT.

Bên cạnh đó, Cục TMĐT&KTS cũng đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước triển khai nền tảng liên quan đến hệ thống đảm bảo giao dịch với đối tác phối hợp các trung tâm thanh toán để hạn chế tỷ lệ lừa đảo, giúp môi trường TMĐT tốt hơn.

Được biết, tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã xây dựng, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động TMĐT. Theo ông Cao Xuân Quảng, bên cạnh việc tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ cho người tiêu dùng, Cục CT&BVNTD đã phối hợp với các sàn giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng như đề nghị các sàn cung cấp đầu mối để phối hợp với Cục giải quyết các vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Đồng thời, đề nghị các sàn báo cáo về chính sách và các giải pháp xử lý trong các vụ việc tương tự.

Hay, đồng hành cùng các sàn TMĐT trong việc điều chỉnh chính sách, điều kiện, điều khoản để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đồng thời, để chủ động trong công tác phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục QLTT yêu cầu lực lượng QLTT cả nước đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn TMĐT.

Lưu Hiệp

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文