TP Hồ Chí Minh đảm bảo cung ứng hàng hóa trong thời gian giãn cách
Sau khi có thông tin TP Hồ Chí Minh siết chặt thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg kể từ 0h ngày 23/8, ngày 21 và 22/8, rất nhiều người dân đổ xô xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để chờ “gom” hàng. Do các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ cho người vào số lượng hạn chế nên người dân phải chờ nhiều giờ tới lượt mua sắm. Bên trong các siêu thị, người dân cũng tranh thủ mua hàng với số lượng lớn để dự trữ dùng trong nhiều ngày khiến nhiều siêu thị không kịp đưa hàng lên kệ. Nhiều kệ thịt, cá, rau, củ, quả, trứng, mì ăn liền… bị hết, thiếu hàng…
Tại siêu thị Emart Gò Vấp, từ sáng sớm hàng trăm người xếp hàng để vào siêu thị, nhiều loại thực phẩm tươi sống liên tục được bổ sung nhưng vẫn xảy ra tình trạng không bổ sung kịp thời khi sức mua sắm quá lớn tại thời điểm nhất định. Đến hơn 12 giờ, dù trời nắng khá gắt nhưng tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market và các cửa hàng tiện lợi như Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+, Bách Hóa Xanh... vẫn còn khá nhiều người kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt vào mua hàng. Các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi đã tăng đặt hàng rau, củ, quả, trứng, thịt, cá để phục vụ cho người dân nhưng nguồn cung ứng hạn chế, do nhà cung cấp cũng gặp khó khăn về nhân lực.
Theo thông tin từ các siêu thị, lượng khách đến mua sắm trong ngày 21 và 22/8 tăng gấp 3-4 lần so với những ngày trước. Để bảo đảm đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tăng bất ngờ, các siêu thị đã nhanh chóng điều phối, bổ sung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô lên các quầy kệ, tăng lượng rau củ, quả lên gấp 3 - 4 lần.
Hệ thống siêu thị Aeon đã ngừng hoạt động bán hàng lưu động, tập trung toàn bộ hàng hóa cho các siêu thị và kiểm soát lượng khách vào mua sắm, chỉ tiếp nhận khách có phiếu mua hàng. Hệ thống SatraFood dự trữ hàng thiết yếu đủ phục vụ 30 ngày. Hệ thống MM Mega Market hàng tươi đông lạnh dự trữ 40 ngày, hàng thực phẩm khô dự trữ 60 ngày… Nhiều hệ thống siêu thị khác cũng tăng lượng hàng thực phẩm dự trữ để cung ứng trong thời gian tới.
Trước tình trạng người dân chen lấn mua sắm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom hàng hóa. Thành phố cam kết sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường.
Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn TP thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch, với mục đích không để chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm bị đứt gãy. Đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên nguyên tắc TP không để người dân nào bị thiếu đói lương thực, thực phẩm.
Theo đó, trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân, TP dự kiến cung cấp mỗi ngày khoảng 10.964 tấn lương thực, thực phẩm gồm: Gạo, lương thực chế biến khô (mì, bún, phở…), thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, rau củ quả, đường, sữa, muối, nước chấm. Ngoài ra, còn có 19 triệu lít nước uống/ngày; các mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang 628.969 cái/ngày, nước sát khuẩn (loại 0,5 lít) 239.596 chai/ngày.
Để đảm bảo lưu thông thông suốt, vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm vào thị trường TP Hồ Chí Minh, TP tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức phân luồng xanh, triển khai các phương án giao thông linh hoạt (đường bộ, đường thủy…) tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong chuỗi cung ứng, tổ chức cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành vào TP Hồ Chí Minh.
Để người dân yên tâm không thu gom hàng hóa, người dân sẽ được cung cấp hàng hóa thông qua phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, mặt trận tổ quốc, tổ dân phố…), các lực lượng Công an, quân đội, tham gia hỗ trợ với tần suất 1 lần/tuần (người dân trả tiền). Đối với người dân khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, sẽ được hỗ trợ hàng hóa thiết yếu, được cấp phát túi an sinh miễn phí.
UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Công thương phối hợp các đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn đảm bảo nguồn cung ứng, năng lực dự trữ, cung cấp đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân. Kịp thời báo cáo UBND TP các khó khăn, vướng mắc trong công tác kết nối nguồn cung, vận chuyển, lưu thông hàng hóa để kịp thời tháo gỡ.