TP Hồ Chí Minh sẽ mua toàn bộ số hoa người dân bán không hết dịp Tết
Đây là thông tin được ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố vào chiều 28/12.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, đây là chủ trương mới của thành phố nhằm tránh việc đập bỏ hoa khi bán không hết, gây phản cảm. Trường hợp người dân bán không hết hoa, TP Hồ Chí Minh sẽ mua để trang trí thành phố.
Cũng theo đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, năm 2023 ngành du lịch thành phố đã đón gần 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch trên 160 ngàn tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam. Định vị thương hiệu du lịch ngày càng được khẳng định trên phạm vi quốc tế, được vinh danh là “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á”; nằm trong top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2023.
Ngành du lịch luôn xác định sản phẩm du lịch văn hoá luôn là sản phẩm hấp dẫn đối với du khách. Theo thống kê của tổ chức du lịch thế giới, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, có 56% khách quốc tế đến thành phố chủ yếu vì muốn tìm hiểu văn hóa (tỷ lệ này ở khách nội địa là 28%).
Xuất phát từ xu hướng trên, ngành du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao tổ chức các chương trình, sản phẩm du lịch văn hóa. Cụ thể như trong chương trình tour tham quan trụ sở HĐND, UBND, Sở Du lịch đã phối hợp tổ chức ngoài tham quan công trình kiến trúc du khách còn được trải nghiệm, tham quan tìm hiểu thêm về đặc trưng văn hoá, lối sống và con người thành phố.
Ngành du lịch thành phố cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện với chương trình phát triển kinh tế xanh, du lịch xanh, phù hợp với xu hướng du lịch thế giới. trong đó nổi bật là chuỗi hoạt động của Tuần lễ du lịch thành phố năm 2023 với chủ đề “Xanh trên mỗi hành trình”. Đây không chỉ là những hoạt động vui chơi, giải trí mà còn thu hút những hoạt động có ý nghĩa, trách nhiệm với xã hội, với môi trường thiên nhiên, phù hợp với xu hướng du lịch xanh.
Sự linh hoạt của ngành du lịch ngành du lịch tại Việt Nam đã thích nghi và chủ động tìm kiếm các cơ hội mới trong bối cảnh kinh tế biến đổi. Các tour du lịch trong nước, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, du lịch y tế, du lịch MICE, kinh tế đêm, ẩm thực công nhận sao Michelin… đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu phong phú của khách du lịch.